Những người đàn ông gìn giữ nghề đan lát ở xã Ia Băng

Phương Dung| 19/02/2024 14:48

Bằng sự khéo léo, tài hoa của mình, những người đàn ông ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tạo nên những chiếc gùi bền, đẹp phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày và dành tặng cho người thân quý.​

​Chiều muộn, ông Kpuih Dut (70 tuổi, làng Klăh-Băng) tỉ mỉ chuốt từng sợi nan lồ ô. Đôi tay nhăn nheo song từng động tác đưa dao, chuốt từng sợi nan của ông rất nhẹ nhàng, dứt khoát. Cứ thế, các sợi nan mỏng, nhỏ được xếp gọn gàng bên cạnh, chuẩn bị cho việc đan gùi. Tất cả các kỹ năng ấy, ông Dut học được từ cha mình và tự rèn luyện thêm mỗi ngày.

Ban đầu, ông Dut chỉ đan gùi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, thỉnh thoảng tặng cho người thân quý. Lâu dần, những chiếc gùi của ông được nhiều người làng thích vì độ chắc, bền nên tìm đến đặt mua. Nhờ thế, ông cũng có thêm thu nhập và tiếp tục duy trì nghề truyền thống.

Ông Dut đang chuốt nan chuẩn bị cho việc đan gùi tiếp theo. Ảnh: P.D
Ông Dut đang chuốt nan chuẩn bị cho việc đan gùi tiếp theo. Ảnh: P.D

Để có nguyên liệu đan gùi, ông trồng vài bụi lồ ô ở rẫy cà phê cách nhà 2 km. Khi nào cần nguyên liệu, ông trực tiếp đi chọn cây để chặt, rồi nhờ con chở về nhà. Vì theo ông Dut, chỉ khi chọn được cây lồ ô già, lóng dài thì đến lúc chuốt sợi nan mới không sợ bị đứt, gùi cũng có thể sử dụng nhiều năm mà không sợ hư hỏng. Ngược lại, chặt phải cây non, khi chuốt nan, luồn sợi phải cẩn thận mà gùi để mưa nắng vài lần dễ bị mục, rách. “Mỗi tháng, mình bán 2-3 chiếc gùi. Mỗi chiếc từ 250 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng, tùy vào kích cỡ. Gùi to là bố mẹ dùng; gùi nhỏ thường là con trẻ đeo”-ông Dut nói.

Vùi 1 thanh sắt nhỏ vào đống than đang đỏ lửa, chờ cho thanh sắt rực đỏ, ông Kpă Na (57 tuổi, làng Bạk-Kuao) dí mạnh vào phần gỗ dưới đế gùi, tạo thành 2 chiếc lỗ tròn. Mục đích để luồn 2 sợi dây, cố định thành quai đeo của chiếc gùi. Ngừng tay, ông Na chia sẻ: “Mình đan 2 chiếc. Một chiếc cho vợ dùng đựng cơm, nước mang lên rẫy. Chiếc còn lại, con trai mình nhờ đan để nó tặng vợ”. Bàn tay phải bị cụt 2 ngón nên việc đan gùi của ông Na khá khó khăn. Tuy nhiên, với mong muốn giữ nghề truyền thống, ông vẫn miệt mài đan những chiếc gùi lớn, nhỏ phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình.

Ông Na đang tạo những chiếc lỗ nơi đế gùi để luồn dây đeo. Ảnh: P.D
Ông Na đang tạo những chiếc lỗ nơi đế gùi để luồn dây đeo. Ảnh: P.D

“Mình trồng 1 bụi lồ ô, đủ nguyên liệu để đan khoảng 8-10 chiếc gùi mỗi năm. Còn gỗ để làm đế gùi, mình vào rừng tìm cây Chau. Gỗ từ thân cây này mềm nên khi uốn cong không sợ bị nứt, gãy. Một cây có thể làm được 10 đế gùi. Mình chặt sát gốc, 2 năm sau quay lại có thể chặt tiếp”-ông Na cho biết.

Giải thích về việc hầu hết những chiếc gùi đều không có hoa văn, họa tiết, ông Na thông tin: Gùi mình đan chủ yếu dùng trong gia đình nên chỉ cần chắc chắn, dùng bền là được. Cái nào đan để tặng thì mình mới mua sơn màu về quét lên các sợi nan, chờ khô rồi đan, tạo điểm nhấn.

Tương tự, ông Kpă Ngáp (68 tuổi, làng Bạk-Kuao) cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày để đan gùi và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình (nong, nia). Phần vì ông muốn đan để tiết kiệm chi phí, phần khác là để gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại. Theo ông Ngáp, phần khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là tạo đế và định hình khung gùi. Xong xuôi 2 phần đó là cơ bản xong chiếc gùi, việc còn lại chỉ cần luồn sợi qua các trụ, siết cho thật khít.

“Trước đây, người dân trong làng, từ già đến trẻ đều dùng gùi. Họ đeo gùi đi chơi, đi lấy nước, lấy củi, lên rẫy,... nên đàn ông trong làng ai cũng biết đan. Bây giờ, có nhiều vật dụng khác thay thế nên người đan gùi cũng ít dần. Mỗi năm, mình chỉ đan 10-12 chiếc gùi để dùng, chia cho các con và tặng người thân. Thỉnh thoảng, mình đan thêm chiếc nong, chiếc nia để sảy thóc, phơi tiêu”-ông Ngáp nói.

Mỗi năm, ông Ngáp đan 10-12 chiếc gùi để dùng, chia cho các con và tặng người thân. Ảnh: P.D
Mỗi năm, ông Ngáp đan 10-12 chiếc gùi để dùng, chia cho các con và tặng người thân. Ảnh: P.D

Xã Ia Băng có 6 thôn, làng. Trong đó có 3 làng (Bạk-Kuao, Klăh-Băng, Phun-Thanh) với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 30%. Theo ông Kpă Hal-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng, hiện chỉ còn khoảng 20 người duy trì nghề đan lát. Đa phần đều từ 50 tuổi trở lên. Nguyên nhân số người đan gùi ngày càng giảm là vì gùi không còn sử dụng phổ biến như trước và nguyên liệu dùng để đan gùi cũng bị thu hẹp. Về phía địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích để người dân gìn giữ nghề truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời vận động thế hệ trẻ theo học để nghề đan lát không bị mai một.

Theo gialai.gov.vn
https://gialai.gov.vn/tin-tuc/nhung-nguoi-dan-ong-gin-giu-nghe-dan-lat-o-xa-ia-bang.78881.aspx
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người đàn ông gìn giữ nghề đan lát ở xã Ia Băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO