Những người "cầm cân, nẩy mực" trong mỗi pha bóng
Yếu tố chính xác, công bằng trong mỗi pha bóng được Ban tổ chức Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023 tại Đắk Nông chú trọng hàng đầu.
Để điều hành giải đấu, Ban tổ chức Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023 tại Đắk Nông đã huy động, mời 17 trọng tài (gồm 2 người thuộc Ban giám sát, 7 trọng tài điều hành và 8 trọng tài biên). Các thành viên tổ trọng tài đều là trọng tài cấp quốc gia và quốc tế được điều động để điều hành giải. Trước khi giải diễn ra, các trọng tài được tập huấn kĩ lưỡng kể cả về chuyên môn và tâm lí.
Ngay sau khi trận đấu giữa các đội kết thúc, Ban giám sát và tổ trọng tài đều tổ chức họp riêng để cân nhắc, phân tích những tình huống, trường hợp sai sót để có phương hướng cải thiện. Việc này sẽ làm tăng tính minh bạch của các trận đấu, bảo đảm công bằng và sự tin tưởng của khán giả, vận động viên.
Bên cạnh đó, tại sân Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông, hệ thống 16 camera đã được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lắp đặt để phục vụ cho giải đấu nhằm có những hình ảnh ghi lại các khoảnh khắc gây tranh cãi nhất. Ban tổ chức địa phương cũng đã lắp đặt một màn hình cỡ lớn trên khán đài chính nên rất thuận tiện cho việc xem lại các hình ảnh, khoảnh khắc khi ban tổ chức sử dụng "mắt thần".
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, HLV trưởng đội Quảng Ninh cho biết: “Mỗi trận đấu đều là then chốt và chúng tôi phải chắt chiu cơ hội để giành điểm. Các đội thua sẽ bị rớt hạng nên tôi cùng Ban huấn luyện phải tính toán các phương án tối ưu nhất. Công nghệ “mắt thần” cùng sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát, tổ trọng tài khiến chúng tôi rất an tâm về sự công bằng của giải”.
Còn ông Thái Quang Lai, HLV đội nam Hà Tĩnh cho hay: “Có những trường hợp khi bắt lỗi tính điểm, trọng tài sẽ không bắt chuẩn xác được nên dễ gây tranh cãi cho các đội đang thi đấu. Ban tổ chức Giải đưa vào hệ thống “mắt thần” Video Challenge Eyes giúp chúng tôi vững tin hơn trong thi đấu và cố gắng hết mình để trụ hạng tại bảng C và lọt vào vòng trong của Giải”.
Ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Theo lộ trình, đến năm 2025, bóng chuyền Việt Nam chỉ còn 8 đội nam, 8 đội nữ dự giải vô địch quốc gia, giảm dần số đội để bảo đảm chất lượng chuyên môn cao cho giải. Đội bóng cuối bảng xếp hạng nam, nữ năm 2023 và năm 2024 sẽ phải xuống hạng, thi đấu ở giải hạng A quốc gia.
Mặt khác, tổng giá trị giải thưởng của Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2023 lên tới gần 2,3 tỷ đồng; trong đó, đội vô địch được nhận 500 triệu đồng, đội đứng thứ nhì nhận được 300 triệu đồng, đội đứng thứ ba nhận được 200 triệu đồng và 100 triệu đồng cho đội đoạt giải khuyến khích... Đây là mức thưởng khá lớn, tạo động lực, động viên cho các vận động viên thi đấu. Để dành được thứ hạng vào vòng trong, các đội đã chi số tiền "khủng" để chiêu binh các tuyển thủ nước ngoài. Do tính chất quyết liệt của cuộc đua vô địch và trụ hạng nên yếu tố chính xác, công bằng được Ban tổ chức chú trọng. Đây cũng là yếu tố tạo sự hấp dẫn cho giải đấu, phục vụ khán giả tốt hơn, chuyên nghiệp hơn”.