Những nghệ nhân dân tộc Mạ ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) dù tuổi đã cao vẫn luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy và phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Để tiếng chiêng được lưu giữ cho mai sau
Nghệ nhân K'Krang, bon B'Dơng luôn giữ gìn, bảo quản bộ chiêng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của gia đình một cách cẩn thận. Bởi với ông, chiêng là hồn cốt, là văn hóa tinh thần riêng của dân tộc Mạ.
Những lúc không lên nương rẫy, ông lại đem chiêng ra đánh để cảm nhận âm thanh trong trẻo của núi rừng và hơn hết là nhắc nhở con cháu bảo tồn vốn quý của dân tộc. Nghệ nhân K'Krang cho biết: “Lúc nhỏ, tôi đi theo bố và người già trong bon đánh chiêng trong các lễ hội, nên dần dần đam mê tiếng chiêng của dân tộc. Dưới sự chỉ dạy của bố, tôi hiểu được cái hay, ý nghĩa của mỗi bài chiêng, tiếng chiêng. Hiện nay, tôi may mắn thường xuyên được tham gia đánh chiêng tại các lễ hội, sự kiện phục vụ người dân, nhất là bà con dân tộc Mạ”.
Dù hiện tại tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng nghệ nhân K'Krang vẫn luôn nặng lòng với tiếng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc Mạ. Ông thường xuyên hướng dẫn, chỉ dạy cho con cháu có chung niềm đam mê đánh chiêng để nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc Mạ không bị thất truyền, mai một. “Chỉ cần một đứa trẻ thích chiêng, học chiêng, tôi đều sẵn lòng chỉ dạy!”, ông K'Krang cho biết.
Anh K’Hoàng, Bí thư Chi đoàn bon B’Srê B là một trong những thanh niên đã được nghệ nhân K'Krang dìu dắt, hướng dẫn cách đánh chiêng.
Làm quen với chiêng từ năm 2022, đến nay, anh K’Hoàng đã thuộc và biết đánh nhiều bài chiêng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mạ như Lễ cúng thần rừng, mừng lúa mới…
“Năm 2022, xã mở lớp truyền dạy cồng chiêng nên tôi đã đăng ký tham gia học. Ban đầu, tôi thấy học khó, nhưng được động viên, chỉ dạy tận tình của nghệ nhân K'Krang, tôi đã đánh được những bài chiêng đơn giản, dần dần đam mê học càng lớn. Tôi sẽ cố gắng luyện tập để sau này có thể tiếp nối các thế hệ đi trước hướng dẫn lại cho đoàn viên, thanh niên trong xã nhằm góp phần nhỏ để tiếng chiêng của dân tộc Mạ mãi được ngân xa”, anh K’Hoàng cho hay.
Thật vui khi bản thân biết diễn tấu chiêng và hạnh phúc hơn khi được mang những kiến thức mình biết để truyền dạy cho các bạn trẻ. Mong rằng từ những việc nhỏ, tuổi trẻ sẽ có ý thức và chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống của người Mạ.
Nghệ nhân K'Krang, bon B'Dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong
Nặng lòng với văn hóa dân tộc
Nếu nghệ nhân K'Krang đam mê tiếng chiêng thì nghệ nhân H’Grao, bon B'Dơng lại có tình yêu mãnh liệt với các loại nhạc cụ dân gian như m’buốt, khèn, sáo….
Tuy bước qua tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi khi tiếng đàn, tiếng sáo của bà cất lên vẫn làm say đắm lòng người. Nghệ nhân H’Grao cũng luôn dành thời gian chỉ dạy cho con cháu cách thổi nhạc cụ truyền thống để khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc.
Mỗi khi gia đình tụ họp, quây quần bên ché rượu cần, nghệ nhân H’Grao lại thổi nhạc cụ dân tộc, nói chuyện cho con cháu về ý nghĩa của mỗi nhạc cụ, mỗi bài nhạc để con cháu hiểu, nuôi dưỡng đam mê. Bà H’Grao thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện lớn của xã, huyện, đồng thời đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn do địa phương tổ chức.
“Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ chỉ dạy cách thổi m’buốt, khèn, sáo, đánh đàn. Khi thổi các nhạc cụ này mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Hiện nay, rất ít người thổi được nhạc cụ của dân tộc mình. Do đó, tôi mong chính quyền địa phương quan tâm mở các lớp chế tác, truyền dạy nhạc cụ cho thế hệ trẻ để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông”, nghệ nhân H’Grao chia sẻ.
Nghệ nhân K’La, bon Pang So nổi tiếng với nghề đan lát thủ công. Ngôi nhà nhỏ của ông lúc nào cũng có hàng chục sản phẩm thủ công do chính đôi bàn tay ông đan lát như: gùi, nong, nia, đồ xúc cá, ống trúm lươn, giỏ đựng cá được xếp gọn gàng.
“Nghề đan lát của người Mạ cũng có độ khó nhất định, đặc biệt là đan gùi. Để có những hoa văn trên sản phẩm, người đan phải tiến hành nhuộm nguyên liệu theo màu yêu thích của mỗi người nhưng chủ yếu là màu đen. Khâu khó nhất trong đan gùi là đan nắp đậy, vì phải chọn được cây mây tốt, chẻ sợi tỉ mỉ, phơi đủ nắng, đủ độ dẻo thì mới đan được. Tuy mỗi năm chỉ bán được một số sản phẩm nhưng vì yêu nghề đan lát và mong muốn giữ nghề của cha ông nên tôi vẫn duy trì nghề”, nghệ nhân K’La thông tin.
Hiện nay, đàn ông trong bon biết đan lát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, cũng như bà H’Grao, ông K’La mong muốn nghề đan lát sẽ được duy trì các thế hệ sau này hiểu được truyền thống dân tộc.
Tăng cường vận động Nhân dân giữ gìn văn hóa dân tộc
Đắk Som là địa phương có đông dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu dân tộc Mạ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ đang dần bị mai một. Một số bà con, nhất là thế hệ trẻ chưa có ý thức lưu giữ, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng về nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc để giữ gìn, phát huy. Việc các nghệ nhân như K'Krang, H’Grao, K’La đang hàng ngày nỗ lực giữ gìn, truyền dạy đánh chiêng, thổi nhạc cụ dân tộc, đan lát cho thế hệ trẻ là điều rất đáng quý.
Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, thời gian qua, xã Đắk Som thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức cho bà con. Trong các dịp sum họp cộng đồng, lễ hội, sự kiện của địa phương, xã đều khuyến khích các thôn, bon biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. Hiện nay, các bon B’Srê A, B’Srê B, Bu Nơ đã có câu lạc bộ cồng chiêng để bà con luyện tập. Các câu lạc bộ vừa phục vụ các đoàn khách có nhu cầu, vừa duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa. Địa phương kết hợp với 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và giao cho công chức văn hóa xã hội phụ trách giúp đỡ.
Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mạ nói riêng, các dân tộc khác nói chung là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó người dân là chủ thể, mỗi gia đình là một kho tàng văn hóa. Từ đó, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc. Chúng tôi vận động các nghệ nhân nỗ lực truyền dạy, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ để tiếng chiêng, tiếng nhạc cụ dân tộc cũng như nét đẹp văn hóa dân tộc trường tồn cùng thời gian”.