Những mùa hè xanh ngát
Ánh lửa trại bập bùng giữa đêm đại ngàn huyền diệu. Màu áo xanh xen lẫn sắc thổ cẩm xoay tròn theo điệu múa rộn ràng.
Mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, bết cả tóc mái mà Vân chẳng thấy mệt. Trái tim Vân hòa vào cùng những tiếng cười, những cặp mắt tròn xoe thơ ngây của đàn em nhỏ, vút cao cùng tiếng hát rộn vang theo những tia lửa rực rỡ như pháo hoa bay lên cao mãi, cao mãi rồi tan vào nền trời đêm thăm thẳm. Đêm chia tay cùng bà con và các em nhỏ tại bon làng nơi đội tình nguyện của My đã đóng quân gần cả tháng nay để sáng mai đội tập trung hội quân rồi trở về trường. Đang vui đấy, thoắt cái, My lại thấy lòng mình bồi hồi...
Lúc biết nơi mình tham gia chiến dịch tình nguyện hè năm nay là tỉnh Đắk Nông, My bấm số gọi ngay về báo cho ông ngoại biết. Không phải là lần đầu tiên tham gia chiến dịch tình nguyện hè nhưng My vẫn háo hức, hồi hộp đến mất ngủ. Bố mẹ bận công tác, ngày nhỏ My sống cùng ông bà ngoại. Thay vì được nghe những câu chuyện cổ tích như những bạn nhỏ khác, My lớn lên bằng những câu chuyện chắt lọc từ ký ức một thời thanh niên sôi nổi của ông bà.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông bà là những thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Ông kể, ngày ấy, ông bà cũng những đồng đội đều đang ở độ tuổi trẻ trung, phơi phới, có người mới chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Vừa rời ghế nhà trường, đến với vùng rừng núi hoang vu, bắt tay vào bao công việc nặng nhọc lại không kém phần hiểm nguy, gian khó khi tàn quân Fulro còn hoạt động lén lút, ông bà cùng đồng đội chỉ biết động viên nhau và tự nhủ mình phải cố gắng.
Từ quen cầm bút, những đôi tay của sức trẻ tập làm quen với với búa rìu chặt tre tự dựng lán trại, lo chỗ ăn ở, tập làm quen với cuốc xẻng để mở rộng những cung đường. Mỗi một vết chai trên bàn tay, mỗi một vết gai cào trên lưng, trên bắp chân đổi lấy những cung đường được mở rộng. Vượt qua những cơn sốt rét, những bữa cơm thiếu thốn, biết bao chiếc cầu bắc qua sông đã được xây dựng. Hàng trăm km đường được khai thông đổi bằng bao giọt mồ hôi và cả máu của lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ ấy.
Mỗi lần kể đến đấy, My thấy giọng ông như lạc đi, nghẹn ngào. Ông bảo ngày ấy đói khổ lắm, nhưng thanh niên xung phong được bà con đồng bào thương, chia sẻ từ gùi măng, hạt bắp, chẳng phân biệt người miền xuôi hay miền ngược. Lần này My đi tình nguyện ở đấy, ông có cảm giác My đang tiếp bước ông để góp một chút sức lực nhỏ bé cho mảnh đất đầy nghĩa tình mà ông luôn ghi nhớ, mảnh đất ông luôn mong muốn được về thăm lại.
Điệu múa quanh lửa trại đã dừng lại. Đêm im ắng nhường chỗ cho những cảm xúc dâng trào. Anh đội trưởng đang nói những lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng mình. My thấy mình cũng nghẹn ngào. Đây là năm cuối cùng My đăng ký tham gia chiến dịch tình nguyện hè với vai trò là một sinh viên. Sau đợt tình nguyện này, My sẽ bước vào năm cuối đại học. Mùa hè sang năm với My chờ đợi My cùng kỳ thi tốt nghiệp, My và bạn bè sẽ rời ghế nhà trường, bước những bước chân đầu tiên trên hành trình lập thân, lập nghiệp. Tham gia từ ngày còn là cô sinh viên năm nhất còn hồn nhiên, lóng ngóng, phải nhờ các anh chị trong đội chỉ từng ly từng tí, từ những ngày đầu đi tình nguyện còn nhớ nhà thầm khóc một mình, đến nay đã trở thành một thành viên “kỳ cựu”, My vẫn không khỏi bồi hồi xúc động trước những giờ phút chia tay sau mỗi chiến dịch tình nguyện.
Nhớ năm đầu tiên tham gia, My mặc chiếc áo xanh, đội chiếc nón tai bèo, đeo ba lô xoay một vòng cho ông bà ngoại xem rồi nũng nịu hỏi ông bà ngoại thấy con có giống cô thanh niên xung phong như bà ngày xưa không. Bà ngoại bẻ lại chiếc cổ áo, vuốt lại vành mũ cho My, mắng yêu My đi tình nguyện thì không được nhõng nhẽo, kén ăn. Thấy các anh chị làm việc thì phải xắn tay vào làm, chưa biết thì học, chưa rõ phải hỏi. Giúp được bà con, giúp được các em nhỏ điều gì thì cố hết sức. Như vậy mới tự tin mà đội lên đầu, khoác lên vai màu áo xanh tình nguyện, mới trưởng thành.
My bây giờ đã rắn rỏi hơn nhiều, đã biết nấu ăn, biết dạy học, biết trồng bắp, biết gặt lúa, biết làm những món đồ chơi xinh xinh từ đồ tái chế. Hai mươi ngày cùng ăn, cùng ở, ngày thì đi dọn vệ sinh, làm đường, sơn sửa lại các lớp học, phụ bà con thu hoạch hoa màu, tối đến lại trở thành những thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng dạy đàn em thơ đánh vần, làm toán. Từ lúc mấy đứa năm nhất lần đầu tiên tham gia tình nguyện ngần ngại đứng trước con đường đất đỏ dẻo quánh lại vì mưa đến khi được người dân coi như con cháu trong nhà, bịn rịn không muốn chia tay, có bao nhiêu tình cảm không thể nói bằng lời. My thấy mắt mình nhòe đi, chẳng biết bởi lửa trại đã gần tàn hay tại sương của núi rừng đã buông ướt mi mắt. Những đốm lửa bay lên như pháo hoa rực rỡ, chiếu sáng từng kỷ niệm chầm chậm lướt qua ký ức của My.
Mới chỉ chiều hôm qua thôi, đội tình nguyện của My tổ chức giải vô địch bơi lội cho mấy đứa trẻ con trong xã. Gọi là giải chứ thực ra là buổi tổng kết khóa học bơi miễn phí mùa hè. Mùa hè nóng nực, gần suối, bố mẹ đi làm vất vả từ sáng đến tối, ở nhà đứa lớn đứa bé sàn sàn trứng gà trứng vịt tự trông nhau, hè năm nào cũng có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Đội My quyết định ngoài bổ túc văn hóa thì dạy thêm kỹ năng bơi lội cho các em. Giải dành cho nhà vô địch là một tập vở, mấy cuốn truyện tranh cùng chiếc cup được làm bằng thanh tre lồng giấy bóng kính màu vàng. Nhà vô địch cầm chiếc cup chạy đi khoe khắp xóm.
Hay như trước khi tham gia chiến dịch năm nay, My nhận được thư của Vân - cô bé ở nơi My tình nguyện năm đầu tiên. Vân khoe năm nay em cũng đã trở thành một chiến sĩ tình nguyện tiếp sức mùa thi. Năm ấy, Vân suýt phải nghỉ học dù em đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vì nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ lại đau yếu quanh năm. Đội tình nguyện của My đã chia sẻ câu chuyện của em, kêu gọi mọi người cùng giúp em tiếp tục đến trường. Giờ thì Vân cũng đã trở thành sinh viên trường sư phạm. Vân bảo, hè sang năm em cũng đăng ký tham gia chiến dịch tình nguyện hè để tiếp bước các anh chị.
Anh Tuấn cũng nhắn tin cho My. Sức khỏe của anh đã dần hồi phục. Anh là người anh lớn của biết bao thế hệ sinh viên tình nguyện trường My. Vừa rồi không may anh bị bệnh phải nhập viện. Khi biết tin, từ mọi miền Tổ quốc, các lớp sinh viên đã trưởng thành, các em nhỏ tại nơi anh từng mang sức trẻ cống hiến đã viết thư, gấp hàng ngàn con hạc giấy gửi đến anh. Anh gọi cho My, nghẹn ngào bảo không phải mình cho đi mà mỗi lần tình nguyện là mình nhận về nhiều lắm My ạ. Nhận được sự yêu thương, nhận được niềm hạnh phúc, nhận cả những trưởng thành, biết ơn.
Mấy đứa học trò nhỏ bẽn lẽn rủ nhau lại gần “cô giáo My”, ngượng ngùng đưa món quà giấu sau lưng tặng cô giáo. Một bó hoa dại, có lẽ các em mới hái lúc chiều nay bên hàng rào cạnh nhà. Những cánh hoa trắng ngần, mộc mạc, dung dị sáng lên bên ánh lửa. Đứa lớn nhất thỏ thẻ hỏi cô My cho con xin địa chỉ, có bài nào khó con viết thư gửi nhờ cô My giải giúp con được không. My bật cười, đưa tay xoa lên mái tóc khét nắng của nó. Mấy đứa khác lại tranh nhau hỏi mùa hè sang năm các cô chú có về bon con nữa không, cô My có về thăm tụi con không.
My vòng tay ôm cả mấy đứa. Biết nói sao cho tụi nhỏ hiểu rằng màu áo xanh tình nguyện, màu xanh của hi vọng và ước mơ sẽ được nối dài mãi, không bao giờ tắt. Và tương lai không xa nữa, biết đâu chính tụi nhỏ hôm nay là những người khoác lên vai màu áo ấy, tiếp nối hành trình tình nguyện phía trước. Giống như Vân tiếp nối My, giống như My tiếp nối bước chân của anh Tuấn. Giống như bao thế hệ thanh niên, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. My vẫn sẽ tiếp bước hành trình tình nguyện của mình dù ở bất cứ cương vị nào, độ tuổi nào.
My nâng niu bó hoa dại, tự nhủ lát nữa sẽ ép vào cuốn sổ tay tình nguyện, mang về tặng lại ông bà ngoại. Hè năm sau, thi tốt nghiệp xong My sẽ đưa ông bà về thăm lại mảnh đất ông bà đã cống hiến tuổi thanh xuân để góp phần dựng xây và ghi dấu một phần tuổi trẻ xanh ngát của My.
Tiếng hát của các thành viên đội My hòa cũng tiếng hát của các em nhỏ và bà con trong bon ngân vang trong đêm mùa hè lộng gió...