Kinh tế

Những lưu ý khi chăm sóc hồ tiêu giai đoạn chuyển mùa

Trần Thị Thoan 22/05/2025 08:39

Sau mùa khô, bước sang giai đoạn chuyển mùa, thời tiết Đắk Nông có nhiều yếu tố bất lợi cho sự phát triển của cây hồ tiêu. Vì vậy, nông dân Đắk Nông chú trọng chăm sóc vườn hồ tiêu.

Đặc điểm chung thời tiết giai đoạn này là nhiệt độ chênh lệch xảy ra trong một thời gian ngắn, mưa nắng gián đoạn, mưa lớn, giông lốc, mưa đá. Điều này có thể gây hại đến quá trình ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng, nhất là đối với cây hồ tiêu.

Hồ tiêu là cây trồng có bộ rễ yếu, rất mẫn cảm với thời tiết thay đổi, mưa ẩm. Việc chăm sóc cây hồ tiêu trong giai đoạn này được nhiều nông dân Đắk Nông đặc biệt chú ý để bảo đảm an toàn dịch bệnh, đạt năng suất.

img_6125-3cbd10d8087e70c1847163be7d64bcf4(1).jpg
Cây hồ tiêu rất mẫn cảm với thay đổi của thời tiết.

Theo ông Cao Bá Tuyên, thôn 1, xã Đắk Ha huyện Đắk Glong (Đắk Nông) vườn hồ tiêu trên 1ha của gia đình vừa kết thúc thu hoạch thì trải qua những tháng mùa khô khốc liệt. Vì vậy, cây có những biểu hiện suy yếu sức đề kháng, dễ bị sâu bệnh tấn công.

Ông thực hiện rửa vườn bằng vôi tôi, phun đều lên mặt lá để rửa lá. Phun vôi giúp ông phòng, chống các bệnh liên quan đến nhóm sâu hại kí sinh như bọ xít lưới, bọ xít muỗi, rệp sáp hại lá non, chồi non, gié hoa, gié quả, thân, lá.

Ông Tuyên cho rằng, sâu hại chính giai đoạn này là bọ xít lưới. Loài sâu này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và kéo dài đến giữa mùa mưa, vào giai đoạn cây hồ tiêu ra gié hoa và quả non. Trường hợp nặng cây sẽ bị rụng gié, giảm tỷ lệ đậu quả, ảnh hưởng đến năng suất.

_dsc3205(1).jpg
Ông Cao Bá Tuyên, thôn 1, xã Đắk Ha huyện Đắk Glong (Đắk Nông) rửa vườn hồ tiêu bằng vôi để phòng bệnh giai đoạn chuyển mùa.

Theo ông Lê Đình Tỉnh, thôn 4, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, gia đình hiện có 3ha hồ tiêu trồng xen. Giai đoạn đầu mùa mưa, ông chú ý bón phân cân đối, đầy đủ dinh dưỡng cho cây hồ tiêu để phòng bệnh chết nhanh, chết chậm.

Kinh nghiệm của ông là bón phân hữu cơ hoai mục trước với lượng khoảng 10kg gốc. Sau đó khoảng 1 tháng ông bón phân hóa học, kết hợp bổ sung các trung vi lượng để cây tiêu ra gié non, đậu quả tốt.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Môi trường), giai đoạn chuyển mùa, đầu mùa mưa người trồng hồ tiêu cần chú ý đến bệnh chết nhanh, chết chậm.

dsc_0052.jpg
Sản lượng hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông năm 2024 đạt mức 72.000 tấn

Đây là hai bệnh gây hại lớn nhất đối với hồ tiêu. Cả hai bệnh này đều phải phòng kết hợp nhiều khâu từ đất đai, giống, chăm sóc.

Bệnh chết nhanh do tác nhân chính là nấm Phytophthora spp thường xuất hiện trong mùa mưa, đặc biệt là những tháng mưa nhiều và tập trung ở những vườn không thoát nước tốt.

Bệnh cũng thường xuất hiện trong những năm có hạn hán kéo dài do “cây bị stress" và dễ bị nấm tấn công. Bệnh lây lan nhanh, khó trị chỉ trong một thời gian ngắn cây đã chết.

Đối với bệnh chết nhanh, bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc sinh học như trichoderma; trichoderma virens theo hướng dẫn trên bao bì.

dsc_0750.jpg
Nông dân chú ý phòng, chống bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây hồ tiêu.

Bà con sử dụng các loại thuốc hóa học, xử lý thuốc vào vùng cổ rễ, vùng rễ ở hình chiếu tán cây, đồng thời phun lên cây theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.

Đối với bệnh chết chậm, tác nhân gây hại chủ yếu là do tuyến trùng Meloidogyne incognita phối hợp với nấm Fusarium solani. Cây có biểu hiện sinh trưởng, phát triển chậm, lá vàng.

Triệu chứng vàng và rụng lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.

Bà con cắt các bộ phận bị hại nặng hoặc đào bỏ cây bị bệnh nặng, cây chết, thu gom và đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy. Nhà nông sử dụng các loại thuốc sinh học, hóa học trừ tuyến trùng đối với bệnh chết chậm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhà nông tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng để bảo vệ đất đai, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu dư lượng các chất vượt ngưỡng.

Đắk Nông hiện có 33.230ha hồ tiêu. Sản lượng hồ tiêu của tỉnh năm 2024 đạt mức 72.000 tấn. Hồ tiêu của tỉnh có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Những lưu ý khi chăm sóc hồ tiêu giai đoạn chuyển mùa
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO