Giáo dục - Đào tạo

Những hy sinh thầm lặng của giáo viên bám bon, bám bản

A Trư - Mẫn Doanh 17/11/2023 08:12

Với lòng nhiệt huyết và sự cảm thông, chia sẻ cùng con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những thầy cô giáo dành cả tuổi trẻ kiên trì vượt khó để gieo con chữ nơi ấy.

ADQuảng cáo

20 năm gắn bó với vùng sâu

5h30 sáng, cô giáo Trần Thị Xoan điều khiển chiếc xe Wave cà tàng cũ kỹ, từ xã Quảng Sơn, theo con đường cũ nay đã đầy ổ gà, ổ voi đi về phía xã Đắk R’măng. Cùng chung một huyện, nhưng con đường từ nhà đến bục giảng vẫn rất xa, mất hơn 1 tiếng rưỡi. Khi còn trẻ, cô được mọi người xem là tay lái lụa. Đó là cả quá trình rèn luyện tay lái với những đoạn đường đất đỏ, đèo dốc nơi vùng xa Đắk Nông.

"Bây giờ già rồi, cũng đã qua tuổi 50, tay chân không còn khỏe như trước. Hôm bữa đến trường đi qua đoạn đường đang làm, trên lớp đá lởm chởm, tay lái không giữ được. Cả người và xe cứ thế nằm trên đất!", vừa kể, cô Xoan vừa chỉ tay vào phần chắp vá trên chiếc quần bị rách vì té xe. Dấu vết trầy xước trên cánh tay vẫn còn mới lắm. Nhưng với cô giáo Xoan, được đến trường “gieo chữ”, mọi vất vả đều xứng đáng. Cứ thế, gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục và hơn 20 năm gắn bó với ngôi Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), cô giáo Trần Thị Xoan vẫn miệt mài hơn 21 km từ nhà đến trường mỗi ngày.

Những năm đầu tái lập tỉnh và ngày đầu mới thành lập Trường tiểu học La Văn Cầu, những khó khăn, vất vả và thiếu thốn trong môi trường dạy học là không thể kể xiết. Nhưng với tấm lòng và trách nhiệm của người “đưa đò”, cô giáo Xoan cũng như nhiều đồng nghiệp đã bỏ lại tất cả sau lưng những khó khăn, thiếu thốn để tiến lên phía trước. Bằng tâm huyết với nghề, vì học sinh thân yêu, cô bám trụ, kiên trì gieo chữ cho biết bao thế hệ con em dân tộc thiểu số nơi đây.

Cô giáo Xoan kể, trước đây khi trường chưa có cổng, chưa có hàng rào, chiều tối nào trâu bò của người dân cũng đi vào trường. Cứ vậy, cả năm trời, cô và các thầy cô giáo khác, buổi sáng lên lớp dạy, buổi chiều lại tranh thủ dọn phân bò vương vãi khắp trường.

"Lúc ấy, sân trường còn nền đất, mùa mưa rất gian nan. Gia súc cứ chạy vào trường giẫm đạp, tìm chỗ trũng nằm rồi ụi đất. Thầy cô còn phải thường xuyên đến san đất, làm bằng lại nền mà trâu bò phá hỏng", vừa nói, vừa cười, đọng trong khóe mắt cô là biết bao kỉ niệm, biết bao niềm vui nỗi buồn của một đời người, một đời gắn với nghề. Những tiếng gọi mộc mạc mà thân thương “con chào bà Xoan” của các em người Mông nơi đây mỗi sáng đến trường trở thành niềm an ủi, động viên rất lớn đối với một giáo viên sắp đến tuổi về hưu.

t7.1(1).jpg
Công tác từ những ngày đầu thành lập trường, cô giáo Xoan gắn với bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số nơi đây

Yêu nghề, thương trò, vượt khó bám lớp

ADQuảng cáo

Chân mang ủng, người mặc áo mưa, mũ bảo hiểm phải là loại chắc chắn, “xịn xò” để có thể đến trường, đến lớp. Đó là hình ảnh thường thấy của cô giáo Lê Thị Cương trên quãng đường đến lớp “gieo chữ” cho trẻ em đồng bào vùng biên giới Tuy Đức. Con đường đất ngày nắng thì đầy bụi, khi mưa lại vô cùng lầy lội. 14 năm gắn với nghề giáo cũng là từng đó thời gian cô Lê Thị Cương vượt qua những con đường như thế, cống hiến tuổi trẻ trên vùng đất biên giới của Đắk Nông.

t5.4(1).jpg
Cô giáo Cương vượt qua những con đường lầy lội để đến lớp “gieo chữ” cho trẻ em đồng bào vùng biên giới Tuy Đức

Ngày đầu về dạy học tại điểm trường bản Tân Lập, thuộc Trường tiểu học Kim Đồng (nay là Trường TH và THCS Vừ A Dính), xã Đắk Ngo (Tuy Đức) với muôn vàn khó khăn. Trên con đường đến trường không biết bao lần cô đã bị té ngã. Vào ngày mưa, để đến được điểm trường, cô và các đồng nghiệp phải lắp thêm dây xích tự chế vào bánh xe để đỡ trơn trượt. Có những hôm đến lớp, người cô lấm lem bùn đất như vừa đi cày ruộng. Điểm trường được dựng bằng cây gỗ, cây lồ ô tạm bợ, chật chội. Lớp học có 100% học sinh dân tộc Mông. Tối đến, cô sử dụng đèn dầu thắp sáng soạn giáo án. Nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, cô phát huy tinh thần tuổi trẻ bám trường bám lớp. Cứ thế, tiếng cô trò vang vọng nơi núi rừng biên giới, giúp cho bao thế hệ học sinh theo con chữ lập nghiệp.

Cô giáo Thị Phượng đứng lớp được 6 năm tại Trường TH và THCS Vừ A Dính, xã Đắk Ngo (Tuy Đức). Là người con M’nông, khi được trở về quê hương công tác, cô thấu hiểu được những thiệt thòi của trẻ em, học sinh vùng biên, vùng dân tộc thiểu số xa xôi. Cô giáo Phượng cùng đồng nghiệp thường xuyên đi đến tận nhà dân, vận động phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con em ra trường lớp học tập. Để đến gặp được các hộ dân, thầy cô giáo phải tranh thủ những ngày cuối tuần. Có những lần đi và chờ cả buổi sáng hay buổi tối mới gặp được phụ huynh và các em học sinh để động viên đến lớp, đến trường. Yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo mới vượt qua những gian nan, vất vả để mang cái chữ cho đồng bào nơi đây. Cùng với những khó khăn chưa thể kể hết, cô chỉ mong thêm một người biết chữ, rồi nhiều người biết chữ, cái nghèo, cái đói, cái lạc hậu nơi đây sẽ dần được xóa bỏ.

t7.2(1).jpg
Cô giáo Phượng hạnh phúc khi theo nghề giáo và cống hiến cho quê hương

Chứng kiến nhiều đồng nghiệp đến rồi lại đi bởi không chịu được môi trường thiếu thốn nơi đây, đôi khi cô cũng bận lòng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô và một số đồng nghiệp vẫn kiên trì, vượt khó tiếp tục gieo chữ nơi vùng biên xa xôi. “Tôi nghĩ, mình không chịu gian khổ thì ai sẽ dạy dỗ, chăm lo cho các em ở đây. Mình đã chọn nghề này, dù bất cứ nơi nào cũng hết sức cố gắng, rồi mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp”, cô Phượng tâm sự.

Những vất vả, gian nan của các cô giáo Xoan, Phượng, Cương cũng là nỗi niềm, trăn trở chung của nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học, điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện đi lại, đường sá, môi trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy học, nhiều thầy, cô giáo còn phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, xa gia đình để gieo từng con chữ cho học trò. Từ đó, thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ vùng biên, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đó là sự hy sinh đáng được trân trọng và là những tấm gương điển hình trong ngành Giáo dục để các thế hệ trẻ học tập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hy sinh thầm lặng của giáo viên bám bon, bám bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO