Di sản - Truyền thống

Những hoạt động thú vị vào dịp Tết Trung Thu ở Việt Nam

TTXVN 16/09/2024 08:43

Bánh Trung Thu được làm từ nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, dừa, hạt sen, vừng, mứt trái cây…, trong khuôn đặc biệt để tạo nên hình dạng đẹp mắt với hai loại là bánh dẻo và bánh nướng.

(Ảnh: Vietnam+)
(Ảnh: Vietnam+)

Tết Trung Thu ở Việt Nam là sự kết hợp giữa truyền thống, văn hóa và tinh thần cộng đồng. Từ việc làm và rước đèn lồng đến thưởng thức bánh Trung Thu và xem múa lân, mỗi hoạt động đều chứa đựng niềm vui và ý nghĩa.

Một số hoạt động dưới đây làm cho Tết Trung Thu tại Việt Nam trở thành một trải nghiệm thực sự độc đáo và kỳ diệu.

Làm đồ chơi

Trong những tuần trước Tết Trung Thu, các con phố khắp Việt Nam trở nên rực rỡ với việc làm những chiếc lồng đèn đầy màu sắc.

Trong những ngày Tết Trung Thu xưa, người dân thường tự làm trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, mặt nạ, tò he, chong chóng… cho trẻ em. Ngày này, lồng đèn có thể được chế tác từ các vật liệu tái chế hoặc trang trí bằng đèn LED.

Quá trình làm lồng đèn là một hoạt động vui vẻ dành cho trẻ em và gia đình, thể hiện sự sáng tạo và sự mong chờ lễ hội.

Làm bánh Trung Thu

Hương vị Tết Trung Thu được gói gọn trong những chiếc bánh Trung Thu.

Bánh Trung Thu sử dụng các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, dừa, hạt sen, vừng, mứt trái cây… Bánh được trang trí bằng các khuôn đặc biệt để tạo nên hình dạng đẹp mắt như tròn, vuông với hai loại là bánh dẻo và bánh nướng.

Bánh Trung Thu không chỉ là món ăn ngon mà còn mang ý nghĩa gửi gắm sự sum vầy, đoàn kết và tình yêu thương gia đình trong mùa Trung Thu.

vnp-trung thu9.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Bày mâm cỗ Trung Thu

Tết Trung Thu với nhiều hoạt động vui chơi diễn ra như rước đèn, ngắm Trăng, múa lân, thưởng thức bánh Trung Thu thơm ngon và quan trọng không thể thiếu đó là một mâm cỗ cúng Trăng.

Đây là một việc được người Việt ta chuyển bị rất chu đáo vì mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên.

Mâm cỗ Trung Thu truyền thống sẽ bao gồm một vài đồ vật như hương (nhang đèn), đèn cầy, gạo, muối, lư hương; món chay hoặc mặn như xôi, cháo, chè, gà; hoa và trái cây; bánh Trung Thu gồm bánh nướng, bánh dẻo.

vnp-trung thu11.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Hát trống quân

Hát trống quân là một phong tục truyền thống trong lễ Tết Trung Thu ở Việt Nam. Với âm điệu nhịp nhàng và những tiếng trống vang lên, người ta hát theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Hát trống quân thường được thực hiện bởi các đôi nam nữ, tạo nên không khí vui tươi và náo nhiệt trong ngày lễ.

Múa Lân

Múa lân Trung Thu là một phong tục truyền thống đặc biệt trong lễ Tết Trung Thu ở Việt Nam. Khoảng 2-7 người mặc trang phục lân điều khiển một con lân lớn, biểu diễn những động tác uyển chuyển và đầy màu sắc.

Múa lân Trung Thu thường diễn ra trước cửa nhà hoặc trên sân trường, đình làng, thu hút sự chú ý và niềm vui của mọi người. Nét đẹp và sự phối hợp của đội lân mang lại niềm hy vọng về may mắn và thịnh vượng.

vna_potal_ha_noi_tre_mam_non_vui_tet_trung_thu_5039786.jpg
(Ảnh: TTXVN)

Rước đèn lồng

Tết Trung Thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh Trăng vàng.

Đối với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an. Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.

Còn đối với người Việt Nam, đèn lồng Trung Thu được làm cho trẻ em chơi Trung Thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hoa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm Trung Thu.

Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.

vnp-trung thu12.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Phá cỗ

Phá cỗ là hoạt động khi trẻ em thưởng thức mâm cỗ Trung Thu gồm bánh, kẹo, các loại hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo hay thậm chí là đồ chơi mà người lớn chuẩn bị. Hoạt động này thể hiện sự vui vẻ, sự háo hức và niềm mong đợi của trẻ em trong ngày Tết Trung Thu.

Gia đình cùng nhau thưởng thức bánh Trung Thu, uống trà hoặc thưởng thức các món ăn ngon, chia sẻ khoảnh khắc ấm áp bên nhau.

Tặng quà

Trung Thu còn được gọi là Tết Thiếu nhi và cũng là Tết Đoàn viên, là dịp mà các thành viên trong gia đình ngồi quây quần quần lại bên nhau dưới ánh Trăng vừa trò chuyện gửi trao yêu thương vừa thưởng thức tách trà cùng bánh Trung Thu.

Đây là dịp bày tỏ sự yêu thương tới gia đình, bạn bè bằng những món quà và những lời chúc ý nghĩa để tạo sự gắn kết, giúp mọi người vui vẻ hơn trong ngày Trung Thu. Quà tặng có thể đa dạng tùy vào sở thích và có nhiều ý nghĩa riêng nhưng đều có một mục đích là tạo sự vui vẻ, gắn kết với những người yêu thương lại với nhau./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nhung-hoat-dong-thu-vi-vao-dip-tet-trung-thu-o-viet-nam-post973328.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/nhung-hoat-dong-thu-vi-vao-dip-tet-trung-thu-o-viet-nam-post973328.vnp
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những hoạt động thú vị vào dịp Tết Trung Thu ở Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO