Đất và người Đắk Nông

Những gia đình M’nông “giữ lửa” nghề truyền thống

Hồ Mai 23/06/2023 05:02

Thời gian qua, chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã có sự quan tâm, hỗ trợ, chung tay góp sức trong việc giữ gìn và khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa thật sự như mong muốn. Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là của người M’nông vẫn chưa được phát huy. Các nghề truyền thống của người M’nông như đan lát, dệt thổ cẩm, rượu cần… cũng nằm trong xu thế ấy. Vì vậy hiện nay, thật đáng trân quý biết bao khi trong các bon làng vẫn còn những gia đình M’nông một lòng nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống dân tộc mình…

Mong ước trao truyền nghề cho con cháu

Năm nay tuy đã 73 tuổi nhưng ngày nào bà Thị Broh, dân tộc M’nông ở bon Mê Ra xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng miệt mài ngồi dệt thổ cẩm. Bàn tay khéo léo của bà đã tạo nên những tấm vải độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc M’nông.

Vừa thoăn thoắt luồn sợi chỉ, bà Thị Broh tâm sự: “Trước đây hầu như nhà nào cũng có phụ nữ biết dệt. Sau khi đi làm rẫy về hay lúc rảnh rỗi, mọi người lại rủ nhau vừa dệt vải, vừa nói chuyện gia đình, cuộc sống rất vui. Theo thời gian, nhiều nhà không còn dạy cho con cháu biết dệt nữa. Riêng gia đình bà vẫn bám lấy nghề và có thêm thu nhập với nghề đến tận hôm nay”.

img_0218(1).jpg
Gia đình bà Thị Broh ở bon Mê Ra xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) có sự tiếp nối nghề dệt thổ cẩm

Để các con chịu học và giữ được nghề, bà Thị Broh luôn khuyên nhủ và chịu khó kể chuyện văn hóa xa xưa của dân tộc mình cho con cháu nghe. Đối với bà, dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mặc trong đời sống hằng ngày mà còn gửi gắm vào đó biết bao tình cảm với người thân, với bon làng. Mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, bà Thị Broh cũng trực tiếp truyền dạy cho 2 con gái Thị Phăng và Thị Nơnh biết dệt thổ cẩm.

Yêu thích dệt thổ cẩm từ nhỏ, mỗi khi thấy bà, mẹ ngồi dệt vải, Thị Phăng ngồi ngắm nhìn và học theo. Được sự bồi dưỡng, chỉ dạy của mẹ, Thị Phăng trở thành người nối nghiệp dệt của bà Thị Broh và là người nổi tiếng dệt giỏi trong vùng. Bây giờ, mỗi khi nông nhàn, có con gái bên cạnh ngồi dệt và nói chuyện cùng, bà Thị Broh cũng thấy vui trong lòng.

dsc_6514(1).jpg
Mẹ có vai trò quan trọng khi truyền lửa đam mê và gần gũi chỉ dạy lại kinh nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống cho con gái

Tương tự, mỗi khi được đặt hàng dệt vải, chị H’Yon ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) rất vui bởi mọi người vẫn còn nhớ nghề truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chị còn vui hơn nữa vì hai cô con gái và cô cháu gái trong gia đình cũng chịu học nghề dệt thổ cẩm. Nhưng nỗi lo mai một nghề dệt truyền thống của dân tộc mình vẫn đau đáu trong lòng người phụ nữ đã gắn bó cả đời mình với khung dệt.

H'Yon tâm sự: “Mình mang hết những kinh nghiệm truyền lại cho con cháu, hy vọng rằng sau này con cháu trong bon làng của mình vẫn biết dệt vải, giữ được cái nghề truyền thống của ông bà. Mặc dù hai cô con gái H’Luật và H’Lệ của mình đã biết dệt nhưng chưa được thành thạo các hoa văn do phải đi làm, không có thời gian dệt thường xuyên. Cô cháu gái H’Thơ năm nay 10 tuổi cũng rất yêu thích dệt và đã biết dệt thành thạo; tham gia các hoạt động phong trào, cuộc thi dệt thổ cẩm ở trường, địa phương. Mình mong muốn con cháu biết dệt, nhưng chỉ sợ hiện nay giới trẻ thiên về làm ăn kinh tế quá sẽ bỏ nghề. Khi sản phẩm dệt chưa có đầu ra hoặc mang tính cầm chừng thì những đứa trẻ không dệt thường xuyên có khi bị quên, không còn động lực giữ nghề. Không như mình làm vì đam mê nên đã giữ được”.

Phát huy giá trị cha ông để lại

Nghề truyền thống của dân tộc M’nông phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển. Giới trẻ hiện nay hơi nặng về kinh tế nên những nghệ nhân cũng rất trăn trở về phát triển nghề truyền thống. Bên cạnh hệ thống giải pháp, chính sách để bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp này của đồng bào, thì việc phát huy vai trò của gia đình trong giữ nghề truyền thống cần được chú trọng. Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng, trao truyền, thẩm thấu một cách tự nhiên nhất.

img_0289(1).jpg
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và truyền dạy, lưu giữ các nghề truyền thống

Chị H’Juel, dân tộc M’nông, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) theo cha mẹ, người thân trong gia đình học cách làm rượu cần bằng công thức truyền thống của dân tộc.

H’Juel chia sẻ: “Lúc ở nhà mẹ đẻ, mình cũng đã thấy cách làm rượu cần. Sau khi lấy chồng, mình được mẹ chồng H’E là người có tiếng ủ rượu ngon chỉ dạy thêm. Mình nhận ra những cái hay, cái đẹp, những kiến thức về thiên nhiên, cuộc sống, kinh nghiệm mà ông cha đã tích lũy cả ngàn năm mới có được. Từ đó, mình thêm yêu thích và đam mê với việc làm rượu cần. Mình thường theo các bác, các cô trong gia đình ở các xã Quảng Sơn, Đắk R’măng (Đắk Glong) như K’Djay, H’Jang… vào rừng hái lá, vỏ cây về làm men rượu cần”.

img_2104(1).jpg
H’Juel cùng người thân trong gia đình tự làm men rượu cần bằng những nguyên liệu tốt nhất kết hợp lá, vỏ cây rừng

Không quá đặt nặng vấn đề kinh tế, nhưng từ sự yêu thích và nhanh nhạy của mình về triển vọng từ những ché rượu cần, H’Juel nối nghiệp gia đình theo nghề làm rượu cần một cách bài bản. H’Juel giữ sự độc đáo của rượu cần M’nông với cách làm men rượu từ lá, vỏ cây rừng mang lại chất lượng, hương vị thơm ngon. Những ché rượu cần được làm tỉ mỉ có chất lượng cao, nước có màu vàng sánh, ngon ngọt được mọi người ưa thích. Để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, chị còn phát triển sản phẩm rượu cần ống tre, được khách hàng phản hồi tích cực.

Sản phẩm của chị có tên Leng Gung đã vượt ra khỏi phạm vi thị trường trong tỉnh Đắk Nông, đến tay người tiêu dùng các tỉnh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… H’Juel còn thành lập Công ty TNHHMTV LENG GUNG chuyên sản xuất, cung cấp rượu cần, đọt mây, lá bép, cơm lam, gà nướng, vải thổ cẩm truyền thống, các sản phẩm mây tre đan… Qua đó, không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa M’nông mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa M’nông đến nhiều người hơn.

Nói về việc giữ gìn văn hóa truyền thống M’nông và nghề làm rượu cần nói riêng, H’Juel cho rằng: “Giới trẻ như mình nếu giữ được văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, nghề truyền thống,… là giữ được hồn cốt của dân tộc mình”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Những gia đình M’nông “giữ lửa” nghề truyền thống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO