Những gia đình “khuyết mà tròn”
Vượt lên khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, những người người khiếm thị đã nỗ lực vươn lên, tin yêu vào cuộc sống với tình yêu và xây dựng hạnh phúc cho riêng mình.
Hạnh phúc bình dị
Tình yêu không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, thân phận, hoàn cảnh, hình thức... Mưu cầu hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân là quyền của mỗi người, không phân biệt khuyết tật hay lành lặn. Cuộc sống gia đình của người khiếm thị vất vả trăm bề, nhưng trong tình yêu, hôn nhân, họ lại có được hạnh phúc tròn đầy khiến nhiều người lành lặn phải ghen tỵ.
Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của người khiếm thị nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi.
Nhắc đến những gia đình vợ chồng khiếm thị có cuộc sống hạnh phúc không thể thiếu gia đình chị Nông Thị Định và anh Nông Văn Huấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Nông. Đến nay, anh Huấn chị Định đã hơn 19 năm hạnh phúc tròn đầy bên nhau. Lâu là vậy nhưng cả hai vẫn nhớ rõ ngày đầu gặp gỡ với nụ cười hạnh phúc trên môi.
Mắt mờ dần rồi bị mù khi còn học tiểu học, anh Huấn dần quen với bóng tối, vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti, cố gắng học nghề để tự lo cho cuộc sống. Năm 2004, anh Huấn tình cờ gặp chị Định cũng là người khiếm thị do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Tình yêu nảy nở và thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm với nhau những khó khăn, thiệt thòi của những người khuyết tật anh chị nên duyên vợ chồng.
Để vun đáp, giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh chị luôn động viên, chia sẻ cùng nhau, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đôi vợ chồng trẻ đã cùng học nghề làm chổi đót, làm nhang và dìu dắt nhau đi bán để lo cho cuộc sống, mái ấm nhỏ của mình. Hạnh phúc của vợ chồng anh chị nhân đôi khi 2 con lần lượt chào đời, khỏe mạnh, không chịu cảnh ngộ giống bố mẹ. Hiện cháu lớn đang học lớp 9 và cháu nhỏ đang học lớp 4.
Anh Huấn tâm sự: Tuy không thể nhìn thấy mặt con nhưng tôi cảm thấy rất là may mắn và hạnh phúc khi cả 2 cháu đếu khỏe mạnh, không bị khiếm thị như bố mẹ. Các con ngoan ngoãn, ham học".
Người bình thường nuôi con đã vất vả thì người khiếm thị còn vất vả hơn, nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cùng cố gắng làm việc, bảo ban, nuôi dạy các con trưởng thành. Cực nhất là lúc con còn nhỏ hay đau ốm, vợ chồng phải lần mò bế con đi bắt xe tới bệnh viện khám bệnh rất vất vả nhưng rồi cũng qua”.
Anh Nông Văn Huấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Nông
Anh Huấn là trụ cột vững chắc cho gia đình với tình yêu, sự hi sinh, động viên của người vợ bên mình. Gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ trên vai, chị Định đã nỗ lực, chăm lo "giữ lửa" cho gia đình nhỏ luôn êm ấm, hạnh phúc.
Chị Định chia sẻ, nhiều khi mệt mỏi trong cuộc sống, hai vợ chồng cũng cãi vã với nhau, nhưng sau đó cũng nhanh chóng làm hòa. Cả hai cũng bảo nhau cố gắng vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái nên người.
Tổ ấm hạnh phúc cho người khiếm khuyết
Không chỉ chăm lo cho gia đình, anh Huấn còn rất tích cực, năng nổ trong các hoạt động giao lưu, kết nối với những người khiếm thị như mình. Năm 2013, anh được mọi người tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Người mù huyện Cư Jút. Năm 2015, anh đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, cả gia đình anh chị đang sống và sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh cùng với các thành viên khác trong hội.
Cũng sống và sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh còn có gia đình anh Đinh Văn Giới và chị H’Trinh. Anh chị là một trong những đôi vợ chồng khiếm thị trẻ nên duyên nhờ tham gia sinh hoạt tại hội. Gặp nhau yêu nhau và cưới sau 1 năm, hiện nay, anh chị đã có với nhau một cháu trai 4 tuổi. Ngày ngày, anh Giới đi bán chổi, bán nhang còn chị Trinh ở nhà làm nghề xoa bóp để vun đắp cho gia đình nhỏ của mình.
Chị H’Trinh chia sẻ: “Trong một lần bị sốt, lên cơ co giật từ ngày nhỏ, mắt tôi đã không còn thấy gì nữa. Nhà tôi ở Đắk Lắk, tình cờ biết đến và xuống Đắk Nông để tham gia sinh hoạt, học nghề xoa bóp ở Hội. Xuống đây sống với mọi người tôi thấy rất vui, bản thân lại có thể tự lo cho chính mình. Nơi đây tôi được gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ và có cho riêng mình một gia đình nhỏ, một đứa con lành lặn nên rất hạnh phúc”.
Đối với những người bình thường, xây dựng được gia đình hạnh phúc còn khó. Đối với người khiếm thị, việc xây dựng gia đình càng khó khăn hơn. Họ phải vượt qua những khiếm khuyết của cơ thể, sự mặc cảm, rào cản và định kiến xã hội khi đến với nhau. Tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng các gia đình khiếm thị đều có điểm chung là trong muôn vàn khó khăn, họ vẫn biết vun đắp tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con cái mạnh khỏe, nên người.
Anh Huấn cho biết thêm: ”Hội Người mù tỉnh hiện có khoảng 400 hội viên sinh sống tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 20 người là những người khiếm thị và con cái của họ đang sống tại ngay trụ sở hội. Các thành viên đều được học nghề như xoa bóp, làm tăm, chổi, nhanh để có thể tự kiếm thu nhập cho bản thân.
Khi các hội viên tham gia sinh hoạt hội, chúng tôi cũng cố gắng kết nối, gắn kết các thành viên với nhau và cũng nhiều cặp tìm hiểu và nên duyên vợ chồng. Hội cũng cố gắng hỗ trợ tổ chức đám cưới cho các cặp đôi, rất vui và hạnh phúc”.
Anh Nông Văn Huấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Nông
Trong cuộc sống tinh thần, cũng như bao người lành lặn, người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng cũng có những nhu cầu, khát khao có được yêu thương, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bởi Gia đình sẽ là chỗ dựa, là nguồn động lực cổ vũ mạnh mẽ giúp họ vươn lên, vượt qua mặc cảm, lao động, học tập, thêm tin yêu cuộc sống.
Mong rằng, các đơn vị, tổ chức, cộng đồng xã hội tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới người khuyết tật, tạo môi trường cho họ được giao lưu, hòa nhập với cộng đồng và hơn hết, sẽ có thêm nhiều tổ ấm tuy “khuyết mà tròn”, để nhân lên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống.