Chính sách

Những đổi thay từ Chương trình 1719 ở Đắk Nông

Quốc Sỹ 20/11/2024 07:25

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã trở thành “đòn bẩy” để phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Đắk Nông.

Đến nay, trong tổng số 10 dự án của Chương trình 1719 đều phát huy giá trị kinh tế, xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, Dự án 4 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4) cũng đang khẳng định được hiệu quả rõ rệt.

Chuyển biến từ các huyện nghèo

Thực hiện Dự án 4, giai đoạn 2022-2024, Đắk Glong được giao tổng nguồn vốn hơn 76 tỷ đồng; trong đó, số vốn đã thực hiện giải ngân gần 62 tỷ đồng (đạt 81,88% kế hoạch). Giai đoạn này, Đắk Glong đã thực hiện đầu tư xây dựng 24 công trình (đường giao thông, trường, lớp học, nhà văn hóa xã, hệ thống kênh mương). Đối với nguồn vốn sự nghiệp, giai đoạn 2022-2024, huyện được giao gần 5,8 tỷ đồng, năm 2022-2023, đã giải ngân được gần 3 tỷ đồng, đạt hơn 93% kế hoạch. Trong đó, địa phương thực hiện duy tu, sửa chữa 4 công trình (2 đường giao thông và 2 nhà văn hóa).

t2.1(1).jpg
Trường tiểu học Nguyễn Trãi, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong được xây thêm 6 phòng học bộ môn và 1 nhà đa năng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học trong năm học mới

Từ nguồn vốn Dự án 4, Đắk Glong đã lồng ghép cùng nhiều nguồn vốn khác tập trung đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp hệ thống trường, lớp học tại các xã có đông đồng bào DTTS. Riêng trong năm học 2024-2025, sử dụng tất cả các nguồn lực, nguồn vốn, Đắk Glong đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Ông Thuần

Việc đầu tư nâng cấp lưới điện cũng rất thuận lợi với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Dự án 4. Điển hình như công trình cấp điện khu vực xã Quảng Hòa với quy mô xây dựng mới 1,5km đường dây trung áp; 0,55km đường dây hạ áp; 1 trạm biến áp đã được hoàn thiện. Trong năm 2024, PC Đắk Nông phối hợp với địa phương tiếp tục đầu tư cấp điện cho thôn 11, thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, với quy mô xây dựng mới 0,13km đường dây trung áp; 0,550km đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong đánh giá, thực hiện Chương trình 1719 nói chung, Dự án 4 nói riêng, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa ngày càng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn. Chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững chắc, an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững. Thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao hơn...

Tại huyện Tuy Đức, giai đoạn 2022-2024, triển khai Chương trình 1719, huyện đã đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó có một số dự án đã thực hiện giải ngân vốn 100% và đang triển khai các phần việc, công trình. Đơn cử như Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (đạt 100% kế hoạch). Riêng đối với Dự án 4, tổng vốn kế hoạch giao năm 2022-2023 là 43,028 tỷ đồng, đến nay huyện đã thực hiện được 84,5%. Trong đó, năm 2022 đạt 98,3%; năm 2023 đạt gần 75%). 6 tháng đầu năm 2024, huyện Tuy Đức đã giải ngân được 11,25 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch.

z5276261344162_e7d2dfa11706bc02a6da2de14cae39e3(1).jpg
Hệ thống kênh mương được đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng tại bon Bu Dơng, xã Đắk R’tíh , huyện Tuy Đức phục vụ nước tưới cho hàng chục ha của đồng bào DTTS

Đến nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các thôn, bon, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS từng bước được đầu tư, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,58%. 98% thôn, bon vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhà sinh hoạt cộng đồng…

z5276091390188_fce4e70d3aa74691ca004eb803f5bbfe(1).jpg
Nhà sinh hoạt văn hóa bon Bu Prâng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được đầu tư 450 triệu đồng để nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân

Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân nguồn vốn Chương trình 1719 được phân bổ năm 2022, 2023 và 2024 là 451,195 tỷ đồng, đạt 37,9% so với tổng kế hoạch. Riêng trong năm 2024, nguồn vốn được phân bổ gần 424 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm đã giải ngân được gần 59 tỷ đồng, đạt 13% so với tổng kế hoạch vốn năm 2024.

t8.6(1).jpg
Từ nguồn vốn Chương trình 1719, đường nội thôn 9, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút được bê tông hóa giúp đồng bào thuận tiện đi lại

Đối với Dự án 4, tổng số vốn được giao giai đoạn 2022-2024 là hơn 212 tỷ đồng; số vốn đã giải ngân gần 163 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,65%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 41 tỷ đồng, đạt gần 48% kế hoạch giao. Trong đó, Đắk Glong và Tuy Đức là 2 địa phương giải ngân vốn được nhiều nhất; huyện Đắk Glong là 24,55 tỷ đồng, đạt hơn 79% kế hoạch; huyện Tuy Đức giải ngân được 11,25 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch.

Dự án 4 được thực hiện tại Đắk Nông chủ yếu là Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp...

Nguồn vốn từ Dự án 4 đã góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã. Các địa phương còn lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau với Dự án 4 để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các trường, phòng học và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

t8.3(1).jpg
Nhà cộng đồng bon Yốk Rling, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô được sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình 1719

Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực đầu tư của ngành Điện, từ nguồn vốn của Dự án 4, đến nay, toàn tỉnh có 71/71 đơn vị cấp xã có điện lưới quốc gia; 100% số thôn, bon, buôn có điện và 99% số hộ dân sử dụng điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những đổi thay từ Chương trình 1719 ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO