Những điểm mới về lấy phiếu tín nhiệm so với 3 lần trước

25/10/2023 09:08

So với Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước đây, Nghị quyết số 96/2023/QH15 lần này có 3 nội dung khác biệt chủ yếu.

Những điểm mới về lấy phiếu tín nhiệm so với 3 lần trước - Ảnh 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013 đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trong đó, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) và tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014).

Quốc hội khóa XIV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Lần này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ là lần thứ tư Quốc hội tiến hành công việc quan trọng này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trước hết, cần khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm hết sức hệ trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Trên cơ sở cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

3 nội dung khác biệt chủ yếu

So với Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước đây, Nghị quyết số 96/2023/QH15 lần này có 3 nội dung khác biệt chủ yếu.

Thứ nhất, Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định rất cụ thể và chi tiết hơn về việc những người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm viết báo cáo về kết quả hoạt động của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay; quy định rất chi tiết về các nội dung báo cáo, đặc biệt là về trách nhiệm, sự cam kết, những sản phẩm mà những chức danh đó đã được đảm nhiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo ra được những chuyển biến gì, sản phẩm gì đối với chức trách, nhiệm vụ được giao, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của vị trí đang đảm nhận.

Bên cạnh đó là phẩm chất đạo đức, lối sống, sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm. Đây là hai nội dung rất căn bản mà trong đó nội dung báo cáo về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã có quy định cụ thể hơn.

Thứ hai, Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định cụ thể không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ mà đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể là những người có quyết định chờ nghỉ công tác hay nghỉ hưu hoặc là được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 thì sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này

Thứ ba, đây cũng là cái điểm quan trọng nhất khi Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định rất rõ hệ quả kết quả lấy phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với hai nội dung rất căn bản.

Đó là, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Từ hai hệ quả rất rõ ràng của việc lấy phiếu tín nhiệm ở trên đã cho thấy vai trò quan trọng và tính thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn, thông qua đó cũng đánh giá cán bộ, giúp cho những người giữ các chức vụ được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 nỗ lực hơn, cố gắng hơn trên cơ sở kết quả lấy phiếu.

Ngoài ra, Nghị quyết số 96/2023/QH15 cũng quy định rất rõ ràng về phiếu lấy tín nhiệm sẽ có ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu sẽ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Như vây, Nghị quyết số 96/2023/QH15 được Quốc hội thông qua đã đảm bảo đầy đủ và chi tiết để thực hiện được quyền giám sát của đại biểu Quốc hội và giúp cho đại biểu thực hiện được quyền của mình một cách tối ưu.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-ve-lay-phieu-tin-nhiem-so-voi-3-lan-truoc-119231025090218785.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-ve-lay-phieu-tin-nhiem-so-voi-3-lan-truoc-119231025090218785.htm

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những điểm mới về lấy phiếu tín nhiệm so với 3 lần trước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO