Những điểm mới, nội dung trọng tâm của 9 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5

08/03/2024 12:03

Tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 09 luật, 10 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng với nhiều điểm mới.

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

1. Luật Căn cước

Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; sửa đổi quy định về một số thông tin trên thẻ để phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi hơn cho người dân; bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; quy định 01 chương riêng về căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.

2. Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15, có nhiều quy định mới về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trong đó, Luật bổ sung, làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định cả trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất, dưới mặt nước và trên không; quy định nguyên tắc, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn; thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định lực lượng quản lý và lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan...

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 2.

3. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 có nhiều quy định mới về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, lực lượng này được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng hiện có là: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng; có vị trí, chức năng là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

4. Luật Đất đai

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1)Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư. Không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai. Có quy định cụ thể về việc không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

(2)Bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác có liên quan;

(3)Hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất theo hướng xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp song vẫn bảo đảm đồng bộ với pháp luật về quy hoạch; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất;

(4)Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể;

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 3.

(5) Hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

(6)Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn;

(7)Hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai. Bổ sung, hoàn thiện quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;

(8)Hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển. Quy định rõ ràng hơn về tập trung đất nông nghiệp; tích tụ đất nông nghiệp; chuyển nhượng đất nông nghiệp. Bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích...

(9)Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương.

5. Luật Nhà ở

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1)Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

(2)Hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển.

(3)Tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

(4)Cải tiến, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi với các nội dung cụ thể, minh bạch, dễ thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở, trong đó trọng tâm là dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội...

(5)Bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các tranh chấp, khiếu kiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư; giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì cho Ủy ban nhân dân cấp huyện...

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

6. Luật Kinh doanh bất động sản

Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1)Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; bổ sung quy định về những trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản;

(2)Bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; điều chỉnh chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2024;

(3)Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, xác định việc công khai thông tin là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người mua, thuê, thuê mua bất động sản;

(4)Bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, điều kiện, thực hiện kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai theo hướng chặt chẽ hơn, góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững;

(5)Bổ sung, hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản;

(6)Hoàn thiện các quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản. Quy định rõ các loại hợp đồng trong kinh doanh bất động sản;

(7)Bổ sung các quy định về điều tiết thị trường bất động sản thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, điều chỉnh dự án bất động sản, các chính sách về thuế, tín dụng và các chính sách khác; bảo đảm cung cầu và cơ cấu sản phẩm bất động sản phù hợp theo từng giai đoạn của thị trường, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 5.

7. Luật Tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; các chính sách để khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với các tất cả các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước; các nội dung về chính sách kinh tế tài nguyên nước; việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ...

8. Luật Viễn thông

Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.

Luật bổ sung, quy định các nội dung để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng vai trò là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích.

Luật này cũng quy định cụ thể về đấu giá đối với các loại tài nguyên kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải đấu giá; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh và điều chỉnh điều kiện cấp phép viễn thông đối với các trường hợp khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, luật bổ sung hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông để áp dụng với các dịch vụ viễn thông cần quản lý nhẹ; bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông…

9. Luật Các tổ chức tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:

(1)Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(2)Sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành;

(3)Hoàn thiện các quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng;

(4)Bổ sung 01 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước;

NHỮNG ĐIỂM MỚI, NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA 9 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5- Ảnh 6.

(5)Hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế;

(6)Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

(7)Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; quy định sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;

(8)Bổ sung một số quy định khác như về hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng; chỉnh lý quy định về giấy phép để giảm thiểu thủ tục hành chính.

10. Một số nội dung trọng tâm trong các nghị quyết của Quốc hội

Tại 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội đất nước; thông qua dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; quy định 08 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; quyết định một số chính sách cụ thể khác.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-noi-dung-trong-tam-cua-9-luat-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-thu-6-va-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-5-119240308120149136.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-noi-dung-trong-tam-cua-9-luat-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-thu-6-va-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-5-119240308120149136.htm

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những điểm mới, nội dung trọng tâm của 9 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO