Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 55 điều (giảm 18 điều so với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) (sau đây gọi chung là Luật năm 2015)); trong đó: bỏ 01 chương (Chương IV), 12 điều; gộp 06 điều thành 02 điều; giữ nguyên 11 điều; bổ sung 01 điều; sửa đổi, bổ sung 41 điều.
![]() |
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và về các ngạch Điều tra viên, bảo đảm tính linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm cơ chế phân công, phân cấp phù hợp với mô hình tổ chức mới Cơ quan điều tra; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự. |
Đề xuất không quy định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra
Theo đó, tại Điều 1 Chương I, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “bộ máy” tại Điều 1 Luật năm 2015, vì không quy định về bộ máy trong dự thảo Luật để giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể nhằm bảo đảm được tính linh hoạt khi có sự thay đổi về tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bỏ khoản 3 Điều 4 Luật năm 2015; theo đó, không quy định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra vì Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự. Đồng thời, bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 6 Luật năm 2015 về tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân theo hướng:
- Bỏ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện;
- Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân để đảm bảo sự linh hoạt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật năm 2015 theo hướng sửa đổi tên các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và Công an nhân dân để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của các bộ.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân
Tại Chương II quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, dự thảo Luật đã bỏ các điều 15, 18 và 21 Luật năm 2015 vì đã giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và không tổ chức Công an cấp huyện. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 16, Điều 17 Luật năm 2015, trong đó, bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (do bỏ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên chuyển thẩm quyền điều tra sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an). Bổ sung thẩm quyền chỉ đạo, kiểm tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với cơ quan của lực lượng An ninh nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và Công an cấp xã.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, tại Chương III của dự thảo Luật, so với Luật năm 2015, Chương này không chia thành 02 mục; bỏ 02 điều; giữ nguyên 01 điều; sửa đổi, bổ sung 04 điều. Trong đó, Điều 18 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật năm 2015 về bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (do bỏ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nên chuyển thẩm quyền điều tra của Cơ quan này này sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng).
Tại Chương IV quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, dự thảo Luật đã cập nhật tên các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của các bộ; cập nhật các điều của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về các tội thuộc thẩm quyền điều tra.
Bỏ thẩm quyền thụ lý, điều tra, giải quyết toàn bộ vụ án từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành các hoạt động điều tra, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát trong thời hạn 01 tháng; đồng thời giữ lại thẩm quyền khởi tố vụ án và tiến hành một số hoạt động điều tra trong thời hạn 07 ngày... Vì thực tiễn thời gian qua cho thấy các cơ quan Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Kiểm lâm, Hải quan hầu như không thực hiện thẩm quyền thụ lý điều tra giải quyết toàn bộ vụ án trong vòng 01 tháng, mà chủ yếu tiến hành điều tra ban đầu và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Bên cạnh đó, năng lực của cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan này khó đáp ứng đủ yêu cầu của việc điều tra trọn vẹn một vụ án từ khi khởi tố đến lúc chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố…