BLTTDS 2015 có 517 điều, gồm 10 phần, 42 chương, trong đó, giữ nguyên 63 điều, sửa đổi, bổ sung 350 điều, bổ sung mới 104 điều, bãi bỏ 7 điều so với luật cũ. Cụ thể, BLTTDS 2015 có những nội dung sửa đổi chủ yếu như sau:
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng
Đây là một trong những điểm mới nổi bật của BLTTDS 2015, nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cho nên mọi tranh chấp, khiếu kiện, mọi yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác thì tòa phải có trách nhiệm giải quyết, không được từ chối.
Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
Để nâng cao trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát và phù hợp với luật khác, BLTTDS 2015 đã quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan này trong tố tụng dân sự. Tòa án và Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Trong trường hợp người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan trực tiếp quản lý người tiến hành tố tụng đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
Nhằm thể chế hóa quan điểm cải cách tư pháp của Đảng về nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử, cụ thể hóa nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã được Hiến pháp quy định, BLTTDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử”. Đây là một khâu đột phá trong hoạt động tư pháp, một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung của BLTTDS.
Việc tranh tụng phải được bảo đảm thực hiện từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án; đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cũng như được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai).
Về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Ngoài những biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời mới đó là cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi việc xuất cảnh này ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, việc bảo đảm thi hành án…; cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Bổ sung quy định trường hợp sau khi đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án thì phải đồng thời quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...