Những cô giáo như mẹ hiền ở vùng sâu Đắk Nông
Bên cạnh truyền đạt kiến thức, 2 giáo viên tại điểm trường thôn Phú Sơn, Trường mầm non Hoàng Anh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) còn là người mẹ, người bạn đồng hành của trẻ trên hành trình tìm kiếm tri thức.
Không còn ngần ngại, rụt rè, tiết học Làm quen chữ cái của học sinh điểm trường thôn Phú Sơn, Trường mầm non Hoàng Anh sôi nổi và rộn ràng. Đây là kết quả sau gần 1 năm học, học sinh được làm quen với tiếng Việt.

Cô giáo Huỳnh Ni, một trong 2 giáo viên đang dạy tại điểm trường cho biết, nhằm chuẩn bị hành trang tiếng Việt để trẻ bước vào lớp 1, môn học Làm quen chữ cái được lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày. Nhờ linh hoạt trong phương pháp, sinh động trong cách truyền tải và tạo cảm hứng cho trẻ, sau gần 1 năm học, học sinh tại điểm trường thôn Phú Sơn đã tự tin với các chữ cái tiếng Việt.
Có thời gian dài gắn bó với trẻ ở vùng khó khăn, cô Ni chia sẻ, học sinh tại điểm trường hạn chế trong giao tiếp và tiếp xúc với người lạ. Cả lớp có 23 em nhưng các em chỉ bập bẹ tiếng Việt, phần lớn vẫn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
“Việc dạy các cháu làm quen và thường xuyên sử dụng tiếng Việt khá vất vả. Để làm được điều này, không chỉ là đòi hỏi chuyên môn mà giáo viên cần phải thực sự yêu nghề, mến trẻ, dành thời gian công sức vào các tiết học. Thậm chí giáo viên phải học thêm tiếng của đồng bào tại chỗ để thuận lợi trong việc giao tiếp với các em”, cô Ni cho hay.

Ngoài cô giáo Ni, điểm trường thôn Phú Sơn còn có cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân đứng lớp. 13 năm gắn bó với trẻ mầm non, phần lớn được phân công đi dạy tại các điểm lẻ, trong đó có điểm trường thôn Phú Sơn, cô Xuân cho rằng, sự thiệt thòi của học sinh dân tộc thiểu số là thiếu sự quan tâm của phụ huynh.
“Một phần do tập quán sinh hoạt, phần vì điều kiện kinh tế gia đình, nhiều phụ huynh để con tự đến trường mà không ăn sáng, ăn trưa. Nhiều hôm biết các cháu nhịn ăn, các cô phải mua tạm chiếc bánh, hộp sữa để các cháu lót dạ, không bị đói trong thời gian trên lớp”, cô Xuân chia sẻ thêm.
Điểm trường Trường mầm non Hoàng Anh tại thôn Phú Sơn cách điểm chính 10km. Điểm trường chỉ có 1 phòng học, với 23/23 trẻ dân tộc thiểu số. Nơi vùng đất khó, điểm trường như một niềm hy vọng của những đứa trẻ về một tương lai không bị “đói chữ” như bố mẹ.
.jpg)
Cô giáo Lê Thị Kim Thịnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh cho biết, điểm trường tại thôn Phú Sơn là một trong số điểm trường khó khăn nhất. Tại đây chưa có điện, không có nước và không có công trình vệ sinh nên hàng ngày, ngoài nhiệm vụ dạy và học, 2 giáo viên phải chủ động tìm giải pháp khắc phục, bảo đảm điều kiện tốt nhất có thể cho trẻ.
Đánh giá về 2 nữ giáo viên đang “bám trường”, cô Thịnh cho biết, cả 2 cô giáo đều yêu nghề, mến trẻ, không ngại khó, ngại khổ, luôn đem hết sức mình cho sự nghiệp trồng người. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền, cả 2 cô đều vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen nhằm ghi nhận những cống hiến, đóng góp.