Chủ động bình tĩnh
Thay vì hoang mang lo sợ như thời gian đầu, gia đình chị L.T.H trú tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã chủ động tham khảo phác đồ điều trị của y tế và học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè có chuyên môn ngay sau khi test nhanh và phát hiện bản thân cũng như các thành viên trong gia đình dương tính với Sars-CoV-2.
Chị H cho biết: “Vì 3 thành viên trong gia đình đều dương tính nên nhà tôi được xã cho điều trị tại nhà. Trong thời gian điều trị tại nhà, mỗi buổi sáng, chị dành 15 phút tập thể dục, sau đó xông tinh dầu chanh sả, uống thêm vitamin C. Đặc biệt, chị cố gắng uống nhiều nước hơn thường ngày và tuyệt đối không bỏ bữa để bảo đảm dưỡng chất, sức đề kháng cho bản thân. Sau 5 ngày kể từ khi phát hiện mắc Covid-19, sức khỏe của vợ chồng chị cùng con trai đã ổn định trở lại, các triệu chứng sốt, đau họng, nghẹt mũi, nhức cơ không còn và hiện cả nhà đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Tương tự, chị Đinh Thị Quyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) vừa điều trị khỏi Covid-19 chia sẻ: “Dịch bệnh bùng phát lây lan nhanh là nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với nguồn bệnh là điều không thể tránh khỏi nhưng thay vì buồn bã, lo lắng thái quá chúng tôi luôn động viên nhau tuân thủ quy trình điều trị của y tế. Việc tạo cho bản thân tâm lý lạc quan, thoải mái và tăng cường dinh dưỡng bằng việc ăn uống đầy đủ chất… là những yếu tố quan trọng để chiến thắng dịch bệnh.
Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Theo dõi sức khỏe thường xuyên
Theo ngành Y tế, một trong những điều quan trọng trong điều trị F0 tại nhà là cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên nhất là theo dõi nhịp thở. Việc dùng thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Trường hợp phát hiện bất thường, tình trạng bệnh diễn biến xấu, suy hô hấp... cần phải thông báo kịp thời với nhân viên y tế.
Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Việc theo dõi nhịp thở tại nhà đối với bệnh nhân mắc Covid-19 rất quan trọng. Đối với người lớn: nhịp thở từ 20 lần/phút trở lên. Đối với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi: nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở từ 30 lần/phút trở lên. Lưu ý, ở trẻ em, cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc. Ngoài các dấu hiệu về nhịp thở, F0 điều trị tại nhà có bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây cũng cần phải thông báo ngay với y tế như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào; Chỉ số SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo); mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa dưới 90 mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg (nếu có thể đo) và nếu đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà cần được bố trí bộ đồ ăn riêng. Bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm sau khi rửa để ở vị trí riêng. Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác. Bộ Y tế lưu ý "không giữ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán vi rút qua không khí". Để vệ sinh môi trường nơi ở sạch sẽ cần làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, rồi lau lại bằng nước sạch. Bộ Y tế lưu ý nếu cần người chăm sóc hỗ trợ việc vệ sinh phòng, người chăm sóc mang găng trước khi vệ sinh.