Những cái khó đang "bó" ngành chế biến nông sản

Hồng Thoan| 01/09/2021 10:59

Phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch sẽ giúp nâng cao chất lượng, tăng giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, ngành chế biến, bảo quản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện nay.

Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên, xã Thuận An (Đắk Mil) những năm gần đây đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ quả Sachi. Theo bà Bùi Thị Kiều Xuân, Giám đốc Công ty, hiện đơn vị đã chế biến được 5 loại sản phẩm gồm dầu, hạt rang dòn, hạt nhân trắng, ngũ cốc và trà.

Bơ là một trong những loại trái câu đang gặp khó trong khâu bảo quản và tiêu thụ

Việc chế biến đã giúp đơn vị gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng liên kết với hộ dân sản xuất nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm của đơn vị có chất lượng cao, nên đã xuất khẩu sang một số thị trường như Malaysia, Singapore.

Tương tự, hai năm gần đây, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô) đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhà ủ, sân phơi, sàn phơi, máy chế biến.

Nhờ đó HTX đã tạo ra các dòng sản phẩm chocolate đạt chất lượng cao. Theo ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô, nhờ có trang thiết bị hiện đại mà đơn vị đã nâng cao chất lượng sản phẩm cacao, chocolate, phục vụ tốt nhu cầu thị trường.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 67 doanh nghiệp chế biến nông sản đã đầu tư trang thiết bị hiện đại. Trong đó, Đắk R’lấp và Cư Jút mỗi huyện 14 doanh nghiệp; Gia Nghĩa 12 doanh nghiệp; Đắk Mil 11 doanh nghiệp; Đắk Song và Tuy Đức mỗi huyện 6 doanh nghiệp; Đắk Glong 4 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản như trên vẫn quá ít so với tiềm năng, nhu cầu hiện nay.

Ngoài ra, hầu hết cơ sở, hộ sản xuất, chế biến đều hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chỉ đạt mức sơ chế. Các cơ sở, hộ sản xuất đều xuất bán nguyên liệu thô, chế biến bằng phương pháp thủ công, giá trị gia tăng không cao.

Sau khi thu hoạch, nông sản chủ yếu được sơ chế, tích trữ, bảo quản theo phương pháp cũ, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng. Hầu hết các sản phẩm nông sản phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu hoặc thị trường ngoài tỉnh.

Doanh nghiệp đang gặp khó về vốn để đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo quản. Ảnh: Hệ thống nhà phơi hạt ca cao của HTX Nông nghiệp Krông Nô. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, có nhiều nguyên nhân làm cho công nghệ chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng. Trước hết là do các chủ thể sản xuất, chế biến nông sản đều thiếu vốn để đầu tư máy móc, thiết bị.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, việc hình thành các vùng nông sản tập trung còn hạn chế, chất lượng không đồng đều, nên khó đồng bộ về dây chuyền sản xuất.

Quá trình hình thành, duy trì hoạt động các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nhà nông, doanh nghiệp chưa bền vững đã ảnh hưởng đến khâu đầu tư trang thiết bị.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, phục vụ xuất khẩu.

Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên quy mô toàn cầu. Điều này làm cho số lượng lớn nông sản của cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng bị ứ đọng.

Một lượng lớn nông sản cũng vì thế mà hư hỏng, giảm chất lượng do không có điều kiện bảo quản, sơ chế, chế biến. Nhiều nhà vườn thua lỗ, buộc phải bán tháo sản phẩm để vớt vát đồng vốn.

Từ đó, việc đầu tư phát triển hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch là rất quan trọng, phù hợp với tình hình của địa phương.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/nhung-cai-kho-dang-bo-nganh-che-bien-nong-san-88741.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/nhung-cai-kho-dang-bo-nganh-che-bien-nong-san-88741.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những cái khó đang "bó" ngành chế biến nông sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO