Kinh tế

Những báu vật trăm tuổi ở Đắk Nông

Thanh Hằng 30/09/2022 08:06

Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận một số cây gỗ lớn tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) là Cây di sản Việt Nam, trong đó có cây giáng hương và quần thể cây thông có tuổi đời hàng trăm năm.

hinh-nen-chinh-mau.jpg

Báu vật rừng Thác Mơ

Cơn mưa rả rích suốt đêm khiến con đường mòn dẫn từ chốt Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thác Mơ tới khoảnh 2, tiểu khu 1447 trơn trượt và khó đi hơn. Dấu chân người trước chưa khô, dấu chân người sau đã hằn lên, khiến cả một đoạn đường dài gần 2 km không có chỗ nào bằng phẳng, khô ráo.

img_0231.jpg
Cán bộ, nhân viên BQLRPH Thác Mơ trên đường vào khu vực cây giáng hương cổ thụ.

Anh Đỗ Xuân Trường, cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Thác Mơ có lẽ là người có kỷ niệm sâu sắc nhất với cánh rừng này. Thế nên dù đường đi lại khó khăn nhưng suốt hành trình dẫn vào sâu bên trong rừng, anh Trường nhắc lại vô vàn những câu chuyện đáng nhớ, trong đó có cả việc bảo vệ nguyên vẹn “báu vật Thác Mơ”.

“Báu vật Thác Mơ” là cụm từ được anh Trường nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện của mình.

cay-di-san-19.jpg
Cây giáng hương, có tuổi đời gần 450 năm.

Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Trường giải thích: “Báu vật đấy là cây giáng hương, có tuổi đời gần 450 năm. So với những cây cổ thụ khác trong rừng Thác Mơ hoặc nhiều cánh rừng khác của Đắk Nông, cây giáng hương này có thể xếp vào hàng “già nhất”. Trải qua thời gian, thăng trầm, biến cố của lịch sử, cây giáng hương vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ tiếp tục được bảo vệ, gìn giữ cho thế hệ sau”.

Tận mắt chứng kiến “báu vật Thác Mơ” mà cán bộ, nhân viên nơi đây bảo vệ suốt nhiều năm qua, chúng tôi mới ngỡ ngàng vì cây giáng hương cổ thụ có kích thước “khủng”.

Để minh chứng cho kích thước “khủng” ấy, 5 cán bộ, nhân viên của BQLRPH Thác Mơ cùng dang tay nhưng vẫn không thể ôm trọn được thân cây.

cay-di-san-17.jpg
Anh Đỗ Xuân Trường, cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Thác Mơ kiểm tra thân cây giáng hương.

Có thâm niên bảo vệ rừng cây, anh Trường cho biết, khoảng 20 năm trở lại đây, những cây gỗ có kích thước lớn như thế này luôn bị lâm tặc dòm ngó. Chính vì thế, dù được canh gác cẩn thận nhưng cây giáng hương đã có lần suýt bị đốn hạ.

Tháng 7/2020, lợi dụng trời mưa lớn, lại là lúc giữa đêm, một nhóm lâm tặc mang cưa máy vào rừng với mục đích chặt hạ cây giáng hương. Cán bộ, nhân viên của BQLRPH Thác Mơ đang đi tuần tra gần đó, nghe thấy tiếng cưa nổ nên đã chạy vào kiểm tra.

"Đường đi lại khó khăn, nhóm lâm tặc lại cử người cảnh giới từ xa nên khi vào đến nơi, các đối tượng đã rút khỏi hiện trường. Xung quanh thân cây gỗ hương xuất hiện đường cắt, nhựa cây tứa ra như một vết thương lớn”, anh Trường nhớ lại.

cay-di-san-4-.jpg
5 cán bộ, nhân viên của BQLRPH Thác Mơ vòng tay nhưng không thể ôm hết thân cây giáng hương.

Là một trong 2 người trực tiếp “giải cứu” cây giáng hương, anh Trường vẫn nhớ như in cảm giác lúc đó. Nhìn vết cắt ăn sâu gần 40 cm vào thân cây cổ thụ, anh Trường xót xa và lo lắng vô cùng.

Khi đó chúng tôi chưa đo tuổi cây, nhưng nhìn bề ngoài cũng phán đoán được cây có tuổi đời rất lớn, thuộc loài quý hiếm. Lo ngại cây già, lại bị cắt xẻ sâu, khả năng vết thương sẽ khó lành nên ngay sau đó, chúng tôi phải xử lý vết cắt, bôi thuốc để hạn chế thấp nhất rủi ro đối với cây”, anh Trường nói.

Theo anh Trường, sau sự việc, công tác quản lý, bảo vệ được nâng cao hơn, bảo đảm không ai có thể xâm hại đến cây quý.

Từ "thoát chết" đến bảo vệ đặc biệt

Sau lần thoát chết đầy may mắn, cây giáng hương cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Một đội QLBVR được thành lập; trong đó cán bộ, nhân viên được cắt cử thay nhau tuần tra, ngăn chặn sự tấn công của các đối tượng lâm tặc.

info-giang-huong.png
Những thông tin cơ bản về cây giáng hương gần 450 năm tuổi.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQLRPH Thác Mơ thông tin, cây giáng hương cao khoảng 30m và đường kính thân cây hơn 2,6m. Cây giáng hương này là độc nhất vô nhị - không chỉ trên lâm phần rộng gần 7.000 ha do đơn vị quản lý - bởi tuổi đời, chiều cao, bán kính, đường kính thân... 

Điểm đặc biệt, ngoài tuổi đời xấp xỉ 450 năm, cây giáng hương còn có bộ rễ bám chặt vào đất, tạo ra một thế đứng độc đáo, đổ mình xuống dòng suối chảy len lỏi trong rừng.

Hiện hệ thống rễ của cây giáng hương tiếp tục phát triển, từ trên thân cây to lớn, những chùm rễ non mọc tua tủa, minh chứng cho sự phát triển không ngừng của “báu vật Thác Mơ”.

phat-ngon-anh-khuong.gif

“Theo ước tính, cây giáng hương này có khoảng 40 m3 gỗ. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động khoảng 3,5- 4 tỷ đồng, riêng bộ rễ ăn sâu vào đất cũng rất có giá trị. Cũng vì giá trị lớn nên lâm tặc thường xuyên dòm ngó, chờ thời cơ để chặt hạ cây gỗ quý. BQLRPH Thác Mơ phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bằng cách phân công cán bộ, nhân viên chốt chặt, kiểm tra thường xuyên xung quanh khu vực cây giáng hương”, ông Nguyễn Xuân Khương nói.

Cũng theo Giám đốc BQLRPH Thác Mơ, những năm gần đây, tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, cây giáng hương có độ tuổi gần 450 năm là vô cùng quý hiếm, có ý nghĩa rất lớn về khoa học, lịch sử, đời sống xã hội.

Vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây giáng hương là Cây di sản Việt Nam. Việc công nhận này là cơ sở để góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, làm cơ sở để phát triển du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng tại vùng biên giới Quảng Trực”, ông Khương nhấn mạnh.

hinh-nen-1.jpg
cay-di-san-14.jpg
cay-di-san-13.jpg
cay-di-san-1-.jpg
1920x1080-0.png
1920x1080-2.png

Chung tay bảo vệ Cây di sản

Xã Quảng Trực là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào M’nông với tập quán sinh hoạt dựa vào rừng.

Theo quan niệm của người dân, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi được cho là nơi trú ngụ của thần linh hoặc của những linh hồn người đã khuất. Việc tác động hay chặt hạ những cây cổ thụ được cho là rất kiêng kỵ và không được phép xâm hại.

hinh-nen-1.jpg
4 cây thông 3 lá thuộc quản lý của Trung đoàn 726 cũng vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Tới xã Quảng Trực, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm cây bằng lăng, gõ đỏ, trai lý… lớn nhỏ khác nhau. Thậm chí, nhiều cây có tuổi đời từ trên 100 năm, cao từ 7-30m.

Ngoài cây giáng hương tại BQLRPH Thác Mơ, một quần thể cây thông 3 lá và 2 cây me tây, thuộc quản lý của Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, đứng chân trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) cũng vinh dự được công nhận là Cây di sản Việt Nam trong đợt này. Những “báu vật” của rừng vẫn còn tồn tại cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm bảo vệ cây rừng của chủ rừng và người dân nơi đây.

cay-di-san-13.jpg
2 cây me tây (muồng ngủ) Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, đứng chân tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) cũng được vinh danh trong lần này.

Thượng tá Nguyễn Văn Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726, cho biết, việc bảo tồn Cây di sản Việt Nam được các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng đồng tình, hưởng ứng, tham gia.

Cũng từ việc công nhận này, đòi hỏi công tác bảo vệ nghiêm ngặt hơn, làm sao vừa bảo vệ nguồn gen, duy trì, phát triển bền vững hệ sinh thái, vừa giữ được nét văn hóa tâm linh của người dân trong khu vực.

Với độ tuổi hàng trăm năm, cây sẽ phục vụ cho việc bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu môi trường trong quá khứ. Việc công nhận cây di sản, còn tạo hướng phát triển mới trong tương lai cho người dân nơi đây. Chính vì thế, hiện nay mọi người đều hiểu và ý thức được trách nhiệm khi tham gia bảo vệ rừng”, Thượng tá Nguyễn Văn Huệ cho hay.

cay-di-san-11.jpg
Việc bảo tồn Cây di sản Việt Nam được các cấp chính quyền, đoàn thể ủng hộ và được cộng đồng đồng tình hưởng ứng, tham gia.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQLRPH Thác Mơ cho rằng, việc công nhận Cây di sản Việt Nam tại xã Quảng Trực nói chung sẽ giúp các công ty lữ hành dễ thuyết phục du khách khi giới thiệu tour về với thiên nhiên, cảnh đẹp địa phương.

Điều này phù hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Đắk Nông, từ đó tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Hy vọng, việc kết hợp này không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế mà còn giúp người dân ý thức về trách nhiệm bảo vệ rừng.

phat-ngon-anh-khuong-2.gif

Sáng 29/9, tại Sở chỉ huy Trung đoàn 726 đã diễn ra Lễ đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với nhiều cây gỗ quý thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thác Mơ và Trung đoàn 726.

Việc cơ quan chuyên môn công nhận số cây gỗ quý là Cây di sản Việt Nam sẽ tạo tiền đề tốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen thực vật, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc công nhận là cơ sở để khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, tạo nguồn cho du lịch sinh thái.

img_0497.jpg
PGS-TS Trần Ngọc Hải nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị của những cây di sản tại xã Quảng Trực.

Tại buổi lễ, PGS-TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, từ đất liền đến hải đảo, nhiều cây gỗ quý tại Việt Nam được vinh danh là cây di sản. Quần thể các cây thông và giáng hương xã Quảng Trực được công nhận là Cây di sản Việt Nam sẽ thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đón nhận bằng công nhận Cây di sản Việt Nam từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chủ rừng và người dân địa phương cần chung sức bảo vệ, đảm bảo cây di sản không bị xâm hại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có những định hướng phát triển, kêu gọi các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng tại xã Quảng Trực.

Sau khi trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, các đại biểu đã tiến hành mở bia đá, ghi danh cây di sản đối với 2 cây me tây (còn gọi là cây muồng ngủ) tại Sở chỉ huy Trung đoàn 726.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những báu vật trăm tuổi ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO