Nhức nhối nạn bạo lực học đường

Bình Minh| 26/05/2024 06:49

Tỷ lệ học sinh Australia bị bắt nạt tại trường học cao thứ hai trong nhóm các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Báo cáo đầy bất ngờ này của Hội đồng Nghiên cứu giáo dục Australia (ACER) gióng lên hồi chuông cảnh báo giới chức ngành giáo dục Xứ sở Chuột túi về những tác động nghiêm trọng của tình trạng bạo lực học đường đến kết quả học tập, cũng như tâm sinh lý của các em học sinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com/TTXVN)

Acer công bố báo cáo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2022 của OECD, làm sáng tỏ nhiều yếu tố trong lớp học ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. So sánh tình trạng của Australia với 23 nước có thành tích cao trong số 81 quốc gia tham gia PISA, ACER kết luận rằng việc học sinh bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng kết quả học tập. Bạo lực học đường được đo lường qua sáu thước đo, gồm bị cô lập, bị chế nhạo, bị đe dọa, bị lấy hoặc phá hoại đồ dùng học tập, bị đánh, bị tung tin đồn ác ý.

Gần 20% trong số 13.430 học sinh ở Australia được khảo sát cho biết các em bị bạn cùng trường hoặc cùng lớp chế nhạo. Cuộc khảo sát được tiến hành đối với học sinh 15 tuổi từ hơn 700 trường học trên toàn quốc cho thấy 10% cảm thấy bị cô lập hoặc có những tin đồn ác ý về mình, trong khi 5% bị đe dọa.

Nhóm học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là các học sinh nam, các học sinh của gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc những học sinh theo học tại các trường ở nông thôn. Theo báo cáo, các học sinh ở Tasmania, một bang hải đảo tách biệt với Australia đại lục, phải đối mặt tỷ lệ bắt nạt cao nhất trên toàn quốc, có thể là mỗi tháng một lần hoặc vài lần một tuần. 24% số thanh thiếu niên bang Tasmania cho biết họ bị chế giễu vài lần mỗi tháng, cao hơn 10% so với các bạn cùng lứa ở bang Victoria, nơi có tỷ lệ bắt nạt thấp nhất. Tỷ lệ học sinh ở bang Tasmania bị đe dọa, bị lấy hoặc bị phá hoại đồ dùng học tập cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trên toàn quốc.

Nhà nghiên cứu cấp cao của ACER Lisa De Bortoli cho biết, tình trạng bắt nạt đã giảm trong khoảng thời gian 2018-2022, nhưng một phần là vì trong thời gian đó học sinh học trực tuyến do đại dịch Covid-19.

Ngoài bạo lực học đường, học sinh ở Australia cũng hứng chịu nạn phân biệt chủng tộc. Kết quả nghiên cứu của hai tiến sĩ Christine Grove và Denise Chapman từ Đại học Monash, cho thấy bốn nguyên nhân chính trong thái độ của học sinh Australia đối với nạn phân biệt chủng tộc: Sự thiếu tự tin và năng lực của giáo viên về các vấn đề chủng tộc; Tính chuẩn mực của người da trắng; Sự phớt lờ về đa dạng văn hóa; Sự im lặng. Những tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc đối với học sinh bị phân biệt chủng tộc rất sâu sắc, làm gia tăng cảm giác lo lắng, trầm cảm, dễ dẫn tới việc lạm dụng chất kích thích cũng như giảm lòng tự trọng và sự tự tin trong học tập.

Là hệ quả của thành kiến phân biệt chủng tộc, các học sinh yếu thế có khả năng bị đình chỉ hoặc đuổi học vì những vi phạm tương tự như các học sinh da trắng. Thành kiến ngầm của giáo viên cũng có thể ảnh hưởng tiêu chuẩn về học sinh, thí dụ như có kỳ vọng thấp hơn về nhận thức và kết quả học tập vì sự khác biệt về chủng tộc của các em. Nhiều giáo viên chọn cách im lặng, không chủ động tham gia các cuộc thảo luận về chủng tộc, phân biệt chủng tộc hoặc thành kiến chủng tộc. Điều đáng nói là họ không đồng ý và cũng không tin rằng phân biệt chủng tộc đã xảy ra trong trường học của mình và cho rằng trẻ em không nhận thức được về vấn đề này.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng bạo lực học đường và phân biệt chủng tộc ở Australia, phải có sự tham gia đồng bộ của gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội, trong đó người lớn cần nêu cao gương mẫu trong chống phân biệt chủng tộc và bạo lực. Ngoài ra, nhà trường cũng nên khuyến khích sự tương tác, gần gũi giữa giáo viên và học sinh, để các em luôn có cảm giác vui vẻ và an toàn khi đến trường.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhuc-nhoi-nan-bao-luc-hoc-duong-post811182.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nhuc-nhoi-nan-bao-luc-hoc-duong-post811182.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhức nhối nạn bạo lực học đường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO