"Bán sức" giữa đêm tối
Đầu tháng 5, khi Đắk Nông đã bước vào mùa mưa, nhiều cánh rừng cao su tại huyện Krông Nô đã bắt đầu cho khai thác mủ. Dưới những cánh rừng cao su rậm rạp, nhiều thợ cạo mủ tỉ mẩn đi khắp các gốc cây để lắp chén hứng mủ, dây dẫn mủ cho mùa khai thác mới.
Từ đầu tháng 5, những người thợ đã chuẩn bị cho vụ khai thác mới |
Công việc không kém phần vất vả, nhọc nhằn nhưng đối với nhiều người, đây là nguồn nhập chính của họ. Dù những năm trở lại đây, giá mủ cao su có nhiều biến động, thế nhưng họ vẫn bám trụ với nghề khai thác mủ cao su.
Ngồi cần mẫn chuẩn bị dây dẫn mủ để gắn lên những gốc cao su, anh Nguyễn Anh Dũng (35 tuổi) ở thôn Nam Hà, xã Nam Nung (Krông Nô) cho biết, anh cùng vợ con từ tỉnh Quảng Trị vào xã Nam Nung lập nghiệp đã lâu. Cũng từng ấy thời gian, hai vợ chồng anh gắn bó với nghề khai thác mủ cao su.
Làm việc dưới cánh rừng cao su, người thợ phải trang bị thêm cả nhang để đuổi muỗi |
Theo anh Dũng, năm nay hai vợ chồng nhận cạo mủ cho khoảng 4-5 ha cao su, trung bình, mỗi đêm cạo khoảng 1.000 cây, nên cứ 3 ngày là phải cạo xong một vòng.
“Một ngày, tôi làm từ 8-10 giờ, bắt đầu từ 2 giờ sáng. Công việc vất vả, thậm chí là nguy hiểm vì rắn rết cắn là chuyện bình thường. Thế nên, người đi cạo mủ khi nào cũng phải mặc đồ bảo hộ, quan trọng nhất là đôi giày. Tuy nhiên, đây là công việc mang lại thu nhập chính, nên gia đình tôi vẫn phải gắn bó, dù vất vả đến mấy”, anh Dũng nói.
Hàng năm, vợ chồng anh Nguyễn Anh Dũng nhận cạo khoán khoảng 4-5 ha cao su |
Tương tự, năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi), ở thôn Đắk Tâm, xã Đắk Drô (Krông Nô) nhận cạo mủ thuê cho khoảng 2 ha cao su. Theo chị Thúy, vườn cao su mà hai vợ chồng chị nhận cạo khoán cách nhà khoảng hơn 3 km nên công việc thường bắt đầu từ hơn 1 giờ sáng.
“Đồ nghề chỉ đơn giản bao gồm chiếc dao cạo, đôi găng tay và chiếc đèn pin đội đầu. Vì cây cao su cho nhiều mủ nhất là thời điểm lúc rạng sáng, khi thời tiết còn lạnh nên hai vợ chồng phải tranh thủ đi sớm, đến gần 8 giờ sáng là xong hết công việc”, chị Thúy cho biết.
Do đất sản xuất của gia đình ít nên tranh thủ thời gian công việc bắt đầu từ khi “gà chưa thức giấc”, hai vợ chồng chị Thúy nhận khoán thêm việc cạo mủ. “Cũng vì muốn kiếm thêm thu nhập, cho các cháu được ăn học đầy đủ nên phải "bán sức" mình giữa đêm tối như vậy”, chị Thúy trải lòng trước khi bước vào ngày làm việc mới của mình.
Công việc cạo mủ cao su thường bắt đầu từ 1 giờ sáng |
Do đặc thù công việc, mỗi người thợ cạo mủ đều trang bị cho mình thêm một hộp đựng nhang chống muỗi. Dưới những tán rừng cao su rậm rạp, là môi trường thích hợp cho loài muỗi vằn sinh sống, nên mỗi khi làm việc, thợ cạo mủ phải đốt nhang để xua đuổi muỗi.
“Muốn cao su ra nhiều mủ, tôi phải đi từ giữa đêm khuya, khi trời còn lạnh. Càng tối, muỗi càng nhiều nên lúc nào tôi cũng phải có nhang muỗi mang theo người. Ngoài ra, vì khai thác khi trời còn tối, cây hút khí ôxy nên rất khó thở, nếu không có sức khỏe, rất ít người bám trụ được với nghề này”, chị Võ Thị Thủy (35 tuổi, quê Bình Phước), thợ cạo mủ thuê tại xã Nâm N’đir (Krông Nô) cho biết.
Dưới những cánh rừng cao su, nhiều người vẫn ngày đêm mưu sinh bằng nghề cạo mủ thuê |
Bấp bênh khi “vàng trắng” rớt giá
Theo những người làm nghề cạo mủ, chỉ khoảng chục năm trước, khi giá mủ cao su ở mức cao, làm nghề khai thác mủ có cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả. Thế nhưng, kể từ khi “vàng trắng” rớt giá, cuộc sống của họ bấp bênh hơn.
“Bây giờ mỗi ký mủ cao su chỉ khoảng 3.000 đồng, cộng thêm độ (chỉ số hàm lượng chất khô có trong mủ) thì khoảng 6.000-7.000 đồng/ký. Mỗi ngày làm khoảng 8-10 giờ, chủ vườn trả công 60% tiền bán mủ, nhưng cực lắm. Cả nhà chỉ trông chờ vào tiền cạo mủ thuê nên bấp bênh lắm”, một thợ cạo mủ nói.