Giáo dục - Đào tạo

Nhớ về cội nguồn và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Nguyễn Hiền 07/04/2025 09:57

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ của dân tộc là dịp để giáo dục học sinh lòng yêu nước, hiểu sâu hơn về cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ truyền thống.

Lồng ghép vào chương trình học

Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ trọng đại của dân tộc và là dịp quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Tại các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, việc lồng ghép nội dung về nguồn cội dân tộc vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa đã giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu lịch sử nước nhà.

img_5585.jpg
Trẻ Trường mầm non Hoa Phượng Vàng ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa hóa thân thành những chú bộ đội trong hoạt động trải nghiệm, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và truyền thống anh hùng tiếp nối từ thời các Vua Hùng.

Thông qua các môn như Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, giáo viên đã lồng ghép kể cho học sinh các câu chuyện về các Vua Hùng, sự hình thành Nhà nước Văn Lang và những truyền thuyết như: Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh - Thủy Tinh…

Cô giáo Lê Thị Giang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Gia Nghĩa chia sẻ: "Trong các tiết học, tôi thường hướng đến mục đích giáo dục học sinh truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Khi có yếu tố liên quan, tôi đều lồng ghép những thông tin, câu chuyện hay về các Vua Hùng, thời kỳ Hùng Vương. Qua trao đổi, chia sẻ trực tiếp, học sinh sẽ hình thành lòng biết ơn sâu sắc, biết liên hệ trách nhiệm của mình với việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc hơn. Đây là hình thức nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho học sinh".

img_1199.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh ở TP. Gia Nghĩa đọc sách, tài liệu lịch sử ở thư viện trong giờ đọc sách

Không chỉ dừng lại ở bài giảng, nhiều trường tổ chức lồng ghép nội dung thông qua các hoạt động ngoại khóa như thi tìm hiểu về lịch sử; sân khấu hóa truyền thuyết; vẽ tranh về cội nguồn dân tộc; lồng ghép câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử, Giáo dục Công dân... Các hoạt động này giúp học sinh tiếp thu kiến thức, có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, khắc sâu lòng yêu nước.

Một số trường còn tổ chức các chuyến tham quan di tích lịch sử, bảo tàng trên địa bàn và giáo dục học sinh về sự tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông ta từ thời Hùng Vương. “Việc đến tận nơi, nhìn tận mắt các di tích giúp em hiểu hơn về lịch sử. Đó không còn là những trang sách khô khan mà là những bài học thực tế sống động”, học sinh Phạm Ngọc Dũng, lớp 8, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Gia Nghĩa chia sẻ.

Giúp học sinh hiểu sâu hơn về nguồn cội

Bên cạnh việc lồng ghép trong các môn học và hoạt động ngoại khóa, nghi thức chào cờ đầu tuần cũng là dịp để tuyên truyền về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nói riêng, các sự kiện lịch sử của dân tộc, đất nước nói chung. Bằng nhiều hình thức như kể chuyện lịch sử, đọc thơ, hát những bài ca về nguồn cội dân tộc, giúp giáo viên, học sinh cảm nhận rõ nét hơn về lòng yêu nước.

img_0182.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa lồng ghép tuyên truyền về các Vua Hùng thông qua tiết Tiếng Việt

Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa Phạm Thị Hải Yến cho biết: “Mỗi buổi chào cờ đầu tuần, chúng tôi luôn lồng ghép những câu chuyện lịch sử để các em hiểu rằng các Vua Hùng đã có công dựng nước, nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay là phải giữ nước, phát triển đất nước. Giáo viên các bộ môn lồng ghép đa dạng để học sinh thấm nhuần cội nguồn, thấm nhuần tư tưởng yêu nước, giúp các em cụ thể hóa trách nhiệm của mình bằng việc phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, sống có lý tưởng, sự sẻ chia, bao dung với gia đình, với cộng đồng”.

Bà Yến cũng cho rằng, nhờ những cách làm sáng tạo trên, nhận thức của học sinh về lịch sử dân tộc đã có nhiều thay đổi tích cực. Không ít học sinh đã chủ động tìm hiểu thêm về các nhân vật lịch sử, các sự kiện quan trọng của dân tộc.

img_9389.jpg
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa đam mê đọc sách, tài liệu liên quan đến lịch sử Việt Nam

Học sinh Phan Trần Mỹ Linh, lớp 9A2, Trường THCS Trần Phú, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Trước đây, em nghĩ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ đơn giản là một ngày nghỉ lễ, nhưng sau khi học môn lịch sử và được nghe kể về công lao dựng nước của các Vua Hùng, em càng thấy tự hào và trân trọng lịch sử dân tộc hơn. Trong dịp Kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3) vừa qua, trường tổ chức Lễ hội ẩm thực, tái hiện nhiều món ăn truyền thống từ thời Vua Hùng nên em càng ấn tượng hơn”.

Học sinh Nguyễn Hoàng Nam, lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Qua các bài học lịch sử và những thông tin thầy cô cung cấp, em hiểu rằng Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Em cảm thấy rất tự hào khi được sinh ra trong một đất nước có bề dày lịch sử hào hùng. Em nghĩ rằng mỗi người trẻ cần trân trọng và phát huy truyền thống này bằng cách học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Ông Vương Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu ở huyện Cư Jút nhấn mạnh: “Hàng năm, trường có khoảng 1.200 học sinh các khối lớp. Ở lứa tuổi của các em, việc giáo dục về truyền thống và nguồn cội dân tộc là điều vô cùng quan trọng. Các em đang ở giai đoạn hình thành nhân cách, định hướng tư tưởng nên việc bồi đắp lòng yêu nước qua những bài học lịch sử, nhất là về lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ mình đối với đất nước”.

nct(1).jpg
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh dâng hương tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh các ngày lễ lớn, khi tham gia các cuộc thi, sự kiện lớn của trường để tỏ lòng thành kính, biết ơn cội nguồn, tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc

Theo ông Trung, ngoài việc giảng dạy trong môn Lịch sử và Ngữ văn, nhà trường còn khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm như viết cảm nhận về lịch sử dân tộc, làm báo tường chủ đề “Nhớ ơn Vua Hùng”, tổ chức hội thi kể chuyện lịch sử. “Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức mà còn nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc một cách tự nhiên và sâu sắc hơn”, ông Trung chia sẻ thêm.

Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông nhận định: “Việc giáo dục lòng yêu nước không chỉ dừng lại ở giảng dạy lý thuyết mà cần thông qua các hoạt động thực tế, trải nghiệm. Những đổi mới trong phương pháp giáo dục hiện nay đã và đang giúp học sinh hiểu, tự hào hơn về nguồn cội dân tộc, từ đó nâng cao trách nhiệm với đất nước. Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ, dịp để thế hệ trẻ hiểu và tự hào về nguồn cội dân tộc.

Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền hơn nữa, góp phần bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh, giúp các em nuôi dưỡng lòng tự hào và ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước.

Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nhớ về cội nguồn và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO