Nhớ những chuyến tác nghiệp "3 trong 1"

Ngô Đồng| 21/06/2022 10:07

Trong cuộc đời làm báo chưa nhiều so với các anh chị phóng viên đi trước, nhưng đối với riêng tôi, những chuyến đi cơ sở, nhất là đợt tham gia phòng, chống dịch bệnh đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên trên bước đường tác nghiệp. Ðặc biệt, tôi đã tập dượt việc tác nghiệp theo kiểu "3 trong 1" để gọi là tự làm mới mình và rút tỉa chút ít kinh nghiệm làm vốn liếng về sau.

ADQuảng cáo

Vào "tâm dịch"

Trong chuyến cùng đội công tác của Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong vào cụm 12, xã Đắk R'măng để tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho bà con, quả thật tôi như "nín thở" khi phải trải qua một chặng đường hết sức vất vả, cứ tưởng như có thể rơi xuống xe máy lúc nào không hay.

Do là nữ phóng viên duy nhất tham gia đoàn tiêm chủng hơn 20 người lần này, nên tôi được ưu ái thấy rõ khi được anh Trưởng Trạm y tế xã Đắk R’măng Phạm Anh Trà - người thuộc làu từng con dốc đến từng cái "ổ trâu, ổ voi" đầy sình lầy chở đi.

Tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu cho người dân tại Cụm 12, xã Đắk R’măng (Đắk Glong)

Đồng hành cùng nhau trên “cung đường nín thở” ấy, anh Phạm Anh Trà chia sẻ: “Để đến được cụm 12 tiêm phòng cho bà con và trẻ em hàng tháng, anh em y tế chúng tôi khá vất vả, nhưng đi miết thành thói quen. Với suy nghĩ bà con, các em nhỏ đang chờ mình vào tiêm phòng, nên thật sự là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, tiếp tục gắn bó với nghề…”.

Nghe anh Trà chia sẻ, cùng những hình ảnh bắt gặp trên đường, niềm đam mê làm báo trỗi dậy, gạt bỏ những nguy hiểm trên con đường trơn trượt, gập ghềnh, tôi lấy máy ảnh cố gắng ghi nhiều hình ảnh chân thực.

Sau đó, vào đến cụm 12, tôi vừa chụp ảnh, vừa dùng điện thoại thông minh quay clip hình ảnh bà con, các em nhỏ đang tập trung tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu. Tôi còn ghi âm tâm sự của các y, bác sĩ, bà con để có dịp sử dụng, đưa vào bài viết cho sinh động.

Quả thật, lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, ngoài lấy thông tin, chụp ảnh sự kiện, con người thì mình cũng cần phải làm sao tập quay phim, ghi âm tiếng động để gọi là làm kỷ niệm là chính. Nhưng sau này, khi về nhà, mở các clip ra xem, nghe những lời tâm sự mộc mạc của bà con, các y, bác sĩ trong đoàn, tôi mới thấy những hình ảnh, lời nói của nhân vật đã đủ khắc họa, làm nổi bật vấn đề, không cần mình phải múa bút diễn tả mà có khi không lột tả hết được.

Kể từ khi Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, tôi không thể nhớ nổi có bao nhiêu chuyến đi đột xuất trong đêm, trong mưa cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh để kịp thời có mặt chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại các địa phương có ca bệnh.

Chỉ nhớ thời điểm đó, nhóm phóng viên báo, đài của tỉnh luôn sẵn sàng tư trang, thiết bị máy móc cùng xuất phát, bất kể lúc nào nhận được lệnh. Lúc đó anh chị em nhóm phóng viên thường nói vui động viên nhau vượt qua vất vả như “ở đâu có dịch là ta cứ đi”.

Thậm chí, nhiều khi ngồi trên xe xuyên đêm hun hút về vùng dịch, tôi vẫn dùng máy điện thoại ra quay cảnh đường tối, ánh đèn pha loang loáng và ghi âm tâm sự của các y, bác sĩ, lãnh đạo ngành Y tế, từ những lo âu đến những lời động viên khích lệ, chỉ với mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Đối với tôi, những "thước phim" quay vội trong đêm ở giai đoạn "dầu sôi lửa bỏng" đó thực sự hết sức quý giá, trở thành tư liệu khó ai có được. Bởi vì lúc đó, cảm xúc của mỗi người hầu như được bộc lộ một cách chân thực nhất, nỗi buồn, nỗi lo âu, thậm chí nỗi sợ âm thầm qua từng giọng nói, nhưng chỉ với chiếc máy ảnh thì chắc chắn tôi không thể diễn tả hết được tâm trạng của mọi người lúc đó.

ADQuảng cáo

Cán bộ, nhân viên y tế xuyên đêm chống dịch Covid-19

Vào khu điều trị Covid-19

Đối với các y bác sĩ trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là công việc, là nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày nhưng với tôi đó là sự vất vả, hy sinh quá lớn và làm thế nào để phản ánh được những điều nói trên quả là một thử thách.

Tôi còn nhớ, khi liên hệ để được tác nghiệp tại khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nói: “Cảm ơn em, nhưng em đã suy nghĩ kỹ chưa?”.

Là một người mẹ của 3 đứa con thơ trước khi quyết định tác nghiệp tại khu điều trị đã khiến tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nhìn những đôi mắt sâu trũng, quầng thâm vì mất ngủ, những bữa cơm vội, thậm chí bỏ ngang bữa để chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân của bác sĩ, điều dưỡng, tôi nghĩ mình sẽ làm được.

Điều dưỡng Vũ Thị Hải, cũng là bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị trong bộ quần áo bảo hộ kín mít nhưng ánh mắt sáng ngời khi gặp tôi: “Chị khỏe rồi nhà báo ơi, còn thở là còn sống, còn sống là còn chiến đấu. Sao em lại vào đây, ở đây nguy hiểm lắm, không sợ à?”.

Tôi vừa bấm máy ảnh ghi hình, vừa dùng máy điện thoại quay, ghi âm những hình ảnh, lời tâm sự của chị Hải với tâm trạng hết sức phấn khởi vì gặp được một nhân vật quá điển hình trong khu điều trị. Thế là, chuyến đó tôi có được những chi tiết báo chí hết sức đắt, nên tranh thủ tận dụng mọi thiết bị để có thể ghi lại một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Các y, bác sĩ tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19

Khi được hỏi vì sao không nghỉ ngơi thêm mà xin vào khu điều trị, chị Hải liền nói: “Bệnh nhân cần tụi chị!”. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng chất chứa bao tình người nồng ấm như không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân, cho đồng nghiệp mà còn cho chính tôi - một phóng viên tham gia trên mặt trận chống dịch.

Với tôi, đó thực sự là những kỷ niệm đáng nhớ trên bước đường làm báo của mình và đó cũng là cả một quá trình hình thành tư duy về cách làm báo đa phương tiện. Bây giờ, khi cơ quan đang khuyến khích phóng viên ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, tôi thấy điều đó thật đúng đắn.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, trên hành trình tác nghiệp của mỗi người làm báo đừng bao giờ nghĩ là sẽ có điểm dừng mà phải luôn tiến về phía trước, bắt nhịp với sự đổi mới, phát triển của đất nước, xã hội.

Những tác phẩm báo chí đến được với đông đảo công chúng bằng nhiều cách, nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao chân thực, khách quan, mang hơi thở cuộc sống và bảo đảm nhanh nhất, sống động nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những chuyến tác nghiệp "3 trong 1"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO