Nhớ mãi Trường Sa ơi !

Lê Phước| 24/06/2022 07:57

Nghề báo cho chúng tôi cơ hội được đi nhiều, được trải nghiệm nhiều. Thế nhưng, được đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) có lẽ là dấu ấn thiêng liêng trong cuộc đời làm báo của mình.

Cuối năm 2018, tôi nhận được thông tin mình sẽ được đi Trường Sa. Theo kế hoạch, chuyến đi sẽ bắt đầu từ đầu tháng 1/2019, kéo dài khoảng hơn 20 ngày và cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Trước khi ra khu vực quân cảng Cam Ranh để lên tàu ra khơi, chúng tôi được gặp mặt và trao đổi một số thông tin. Khi đó, tôi mới biết chuyến đi của mình có hơn 100 phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Chúng tôi sẽ chia làm 3 đoàn, đi trên 3 con tàu lớn theo các hướng để đến các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa để thăm, chúc Tết quân, dân đang sinh sống, công tác tại huyện đảo.

Các phóng viên tác nghiệp tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa)

Đúng 16 giờ chiều 4/1/2019, tàu HQ571 chở chúng tôi thổi hồi còi lớn, tiến ra biển Đông. Trên bờ cảng, quân dân nghiêm trang xếp thành từng hàng ngang, đưa tay lên chào cho đến khi tàu rời xa.

Sau khi tàu ra khỏi vịnh, chỉ huy tàu thông báo sắp có sóng mạnh. Tôi cùng 3 đồng nghiệp nhanh chóng ổn định chỗ nằm, cố gắng chợp mắt để cảm nhận từng con sóng đầu tiên.

Những con sóng lớn bắt đầu đánh mạnh vào mạn tàu, khiến con tàu nghiêng ngã liên hồi. Những cú lắc mạnh làm chúng tôi, những người vốn chưa quen với sóng biển, có những trận say sóng nhớ đời.

Mệt mỏi vậy nhưng sau gần 2 ngày đêm vượt biển, khi nghe chỉ huy tàu thông báo đến điểm đảo đầu tiên, ai nấy đều phấn khởi ùa ra khỏi phòng, chạy ngay lên cabin tàu để ngắm biển, ngắm đảo và tác nghiệp.

Đoàn công tác di chuyển bằng thuyền nhỏ để vào các đảo

Trong chuyến hành trình này, chúng tôi được đến 4 đảo nổi Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây và 2 đảo chìm là Đá Thị, Đá Nam. Đảo nổi là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Còn đảo chìm là các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh. Khi thủy triều xuống thấp thì đảo lộ ra và khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.

Đặt chân lên đảo, mỗi phóng viên chúng tôi ai nấy đều tất bật, người quay, người chụp, người thì phỏng vấn… Những câu hỏi của chúng tôi đưa ra đều được chỉ huy đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo trao đổi một cách rành mạch, cởi mở.

Phóng viên Đài PT-TH Nghệ An cùng các bạn nhỏ trên đảo Song Tử Tây xem hình ảnh trong máy quay

Tại các điểm đảo được đến, chúng tôi tranh thủ thời gian, cố gắng gặp nhiều chiến sĩ và người dân trên đảo. Chúng tôi cũng hợp tác, phân công cho nhau để có được những bức ảnh, những chùm ảnh ở nhiều đề tài.

Gần 20 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cảm nhận được sự hiếu khách, thân thiện và tình cảm của quân và dân trên đảo. Đáp lại tình cảm chân thành ấy, ngoài những lúc tác nghiệp, các thành viên trong đoàn công tác cũng say sưa giao lưu qua những câu chuyện, những bài thơ, những tiết mục văn nghệ, những trận bóng đá…

Trên tàu, phóng viên chúng tôi có dịp chia sẻ với nhau về chuyên môn, về gia đình, về cuộc sống. Chúng tôi được cùng những người lính câu cá biển và nghe họ chia sẻ về những câu chuyện trên biển, trên đảo. Chúng tôi thực sự đã có thêm những người bạn mới và những kiến thức thực tế mới.

Phóng viên Báo Đắk Nông (bên trái) phỏng vấn các chiến sĩ đảo Sơn Ca

Cũng như những phóng viên khác, được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa với tôi thật sự là niềm vinh dự và tự hào. Chuyến đi ấy giúp chúng tôi gần gũi, hiểu hơn về những chiến sĩ Trường Sa luôn kiên trung ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bản thân tôi thấy mình trưởng thành hơn, trân quý hơn cuộc sống đang có. Đối với tôi, Trường Sa thật gần. Và nếu có cơ hội, tôi thực sự rất muốn đến nơi ấy thêm lần nữa.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/nho-mai-truong-sa-oi-!-93695.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/nho-mai-truong-sa-oi-!-93695.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nhớ mãi Trường Sa ơi !
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO