Đời sống

Nhớ mãi một thời làm báo “bốn cùng”

Tường Mạnh 02/06/2024 07:00

Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi cùng với một số lãnh đạo, phóng viên Báo Đắk Lắk chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức và sẵn sàng lên đường về với tỉnh mới Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Có thể nói, vào thời điểm trước năm 2004, vùng đất phía Nam sông Sêrêpốk đối với những người làm báo ở Đắk Lắk không phải xa lạ gì. Chúng tôi vẫn thường có mặt ở ngay tận nơi xa nhất của tỉnh lúc bấy giờ như Đắk R’lấp để nắm bắt thông tin, chuyển tải trên mặt báo.

32221.jpg
Năm 2004, Báo Đắk Nông cùng các đơn vị kết nghĩa với Đồn biên phòng Đắk Dang, Bộ đội Biên phòng tỉnh đứng chân trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Thế nhưng, vào cuối năm 2003, khi cơ quan họp, thông báo danh sách những người được tổ chức phân công, điều động về công tác tại tỉnh mới Đắk Nông, trong mỗi chúng tôi ai nấy đều hơi bất ngờ, không tránh khỏi chạnh lòng, buồn vui xen lẫn âu lo. Âu đó cũng là tâm trạng bình thường của mỗi con người khi đứng trước một sự thay đổi lớn lao nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, gạt qua một bên những băn khoăn, lo lắng ban đầu, chúng tôi nhanh chóng bắt tay ngay vào việc để tính toán, sắp xếp, định hình cho việc ra đời tờ báo mới với tên gọi Báo Đắk Nông như hiện nay.

Đúng vào chiều 24/12/2003, sau khi được “đả thông tư tưởng”, đoàn tiền trạm của báo do đích thân đồng chí Tổng Biên tập Đinh Hữu Trường dẫn đầu lên đường xuống Gia Nghĩa để tìm hiểu tình hình, thu thập thông tin chuẩn bị cho việc ra số báo đặc biệt đầu tiên chào mừng sự kiện tái lập tỉnh. Sát nút như vậy, nhưng đúng vào ngày 1/1/2004, khi tỉnh Đắk Nông long trọng tổ chức lễ công bố tái lập tỉnh thì Báo Đắk Nông số đầu tiên cũng đầy đủ những thông tin cần thiết đã ra mắt bạn đọc, góp phần cho ngày lễ thêm phần ý nghĩa. Tiếp ngay sau đó, tuy đã cận tết, nhưng báo cũng đã hạ quyết tâm và ra được số báo mừng Xuân Giáp Thân không kém phần hoành tráng.

12.jpg
Độc giả đọc Báo Đắk Nông tại Lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa-Đắk Nông (23/3/1975-23/3/2005)

Sau Tết Giáp Thân, cũng như bao cơ quan, đơn vị vào thời điểm đó, báo đã thuê một căn nhà gỗ trên đường Nguyễn Văn Trỗi để vừa làm việc, vừa làm nơi ăn, chốn ở cho cả cơ quan. Vậy là căn nhà đơn sơ đó đã trở thành “bản doanh” đầu tiên của Báo Đắk Nông trong những ngày đầu về với vùng đất mới. Ban đầu, cả mấy anh em tận dụng đống ván cũ để lót tạm dưới nền xi măng và đặt tấm nệm lên trên làm chỗ ngủ, hết sức tạm bợ. Sau đó, thấy cảnh quá nhếch nhác, lãnh đạo cơ quan mới trích kinh phí, cho anh em mua mỗi người một chiếc giường sắt để gọi là có chỗ nằm tươm tất hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2004, Báo Đắk Nông xuất bản mỗi tuần một kỳ. Chỉ vậy thôi, nhưng để ra được đúng kỳ và “lấp” đầy 8 trang báo là vấn đề không đơn giản chút nào khi cả cơ quan từ lãnh đạo cho đến nhân viên chỉ vỏn vẹn khoảng 10 người, với vài chiếc vi tính. Trong điều kiện cơ sở vật chất, con người như vậy, lãnh đạo cơ quan họp, tạm phân công công việc chuyên môn cho từng người, từng bộ phận, theo kiểu “giật gấu vá vai” nhằm bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho việc xuất bản, phát hành báo.

1232.jpg
Chi bộ Báo Đắk Nông tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại khu nhà công vụ
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Thời kỳ đầu, đội ngũ cộng tác viên chưa có, Phòng Phóng viên -“xương sống” của tờ báo chỉ có 4 người, nên từ lãnh đạo phòng cho đến phóng viên phải thay nhau đi họp, rồi đi cơ sở, chạy tin, chạy bài bở cả hơi tai. Vào ngày nghỉ cuối tuần, về nhà tưởng để được gần gũi, vui chơi với người thân, nhưng ai nấy cũng lại hì hụi bên máy vi tính lóc cóc gõ để làm sao sáng thứ hai xuống cơ quan là có một lượng tin bài kha khá, đủ cho báo có thể lên trang.

Phòng Xuất bản, gọi cho oai vậy thôi chứ lúc đó cũng chỉ có 4 người, vậy mà phải làm không biết bao nhiêu công việc “bếp núc”, bảo đảm cho báo có thể ra đúng kỳ, đúng hạn. Không ít đêm cả cơ quan thức đến khuya để làm việc, người thì viết, người thì biên tập tin bài, người trình bày, dàn trang, dò lỗi chính tả…Dưới ánh đèn điện lờ mờ, mái đầu bạc chụm bên mái đầu xanh.

Vào thời điểm đó ở Gia Nghĩa lại không có nhà in, nên sau khi dàn trang xong, có lúc đến tận khuya, đích thân đồng chí Phó Tổng Biên tập phải ôm tất cả bản thảo ra quốc lộ 14 đón xe đò về tận Đắk Lắk để nhờ báo bạn sắp chữ, rồi đưa ra nhà in.

Trong 6 tháng cuối năm 2004, báo xuất bản tăng mỗi tuần một kỳ, nhưng cũng phải cử người đưa qua tận nhà in của Báo Bình Phước để in. Đến gần cuối năm 2004, báo được phân 4 căn phòng ở khu nhà công vụ để làm trụ sở, lại tuyển thêm đội ngũ làm chuyên môn, tỉnh đã có nhà in nên công việc dần đi vào nền nếp, ổn định hơn. Đây cũng là cơ sở để báo có thể mạnh dạn từ đầu năm 2005 xuất bản được mỗi tuần 3 kỳ.

3222.jpg
Chi đoàn Báo Đắk Nông phối hợp tổ chức giao lưu văn nghệ với các chi đoàn tại Khu nhà công vụ năm 2005

Thực tế, có rất nhiều chuyện vui buồn về cảnh sống, làm việc trong những ngày đầu không thể kể hết được. Lúc đó, chúng tôi thường nói đùa: “chúng ta cũng đang ‘bốn cùng’ là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và…cùng khổ như nhau”. Trong đó, điều quan trọng nhất là tình cảm, sự gắn kết, sẻ chia giữa anh em, đồng nghiệp để rồi luôn động viên nhau đồng cam, cộng khổ, cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Quả thật, bây giờ nghĩ lại, vào thời điểm đó, chúng tôi cũng chưa thể hình dung được Báo Đắk Nông lại có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hình thức, nội dung theo xu thế truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

20 năm-một chặng đường cũng đủ dài và để lại trong lòng bao người những nỗi nhớ miên man về vùng đất Đắk Nông trong những ngày đầu mới tái lập tỉnh. Người đến, người đi, cuộc sống, điều kiện làm việc bây giờ đã có nhiều thay đổi, nhưng đối với mỗi chúng tôi-những người có mặt đầu tiên ở Báo Đắk Nông có lẽ sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm vui buồn trong những ngày đầu gian khó ấy.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mãi một thời làm báo “bốn cùng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO