BID marathon mobile
Văn nghệ

Nhịp trống thiêng

Việt Thu 06/04/2025 05:58

Tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi sau giờ ăn tối, Phú gọi điện về cho mẹ. Gọi mãi mà cả bố và mẹ đều không bắt máy khiến anh sốt cả ruột, chỉ sợ bố mẹ ở nhà có việc gì mà giấu anh.

Người già nhiều khi trái gió trở trời không muốn con cháu lo lắng nên cứ âm thầm chịu đựng một mình. Anh gọi cho Lĩnh, đứa em gái làm giáo viên mầm non ở gần nhà, chưa lấy chồng nên sống cùng bố mẹ. Cũng phải gọi đến lần thứ ba nó mới bắt máy. Chưa kịp cáu, nó đã vừa cười vừa giải thích:

- Em đang tập múa, bố chắc đang xem đội chiêng tập luyện còn mẹ chỉ mấy cô làm bánh nên không để ý điện thoại. Chuẩn bị đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mà anh. Anh có được nghỉ về tham dự không?

74.jpg
Ảnh minh họa

Nghe đứa em gái nói, Phú mới sực nhớ ra. Đơn vị anh đang thực hiện một chuyên án, công việc bận rộn cuốn anh đi đến quên cả ngày tháng. Năm nào ngày Giỗ Tổ, gia đình anh cùng bà con trong xã cũng tề tựu, tập trung chuẩn bị trước cả mấy tuần lễ. Thanh niên trai tráng tập rước kiệu, các cô thiếu nữ tập múa hát, diễn trò, các bà, các mẹ lo làm bánh, sắp lễ, các bác, các chú phát động hội thao, thi đấu vật, bà con các dân tộc thì tập chiêng, múa xoang. Từ ngày đền thờ Vua Hùng được xây dựng trên mảnh đất biên giới Tây Nguyên ngập tràn nắng gió này thì ngày Giỗ Tổ cũng trở thành ngày hội làng.

Bố mẹ Phú quê gốc Phú Thọ, hơn hai chục năm trước đi xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Đắk Nông, mảnh đất Nam Tây Nguyên phóng khoáng, giàu nghĩa tình. Đất lành chim đậu, bà con từ vùng đất Tổ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, quây quần bên nhau, cùng bà con đồng bào dân tộc tại chỗ lập nên xóm, nên xã, cùng chung tay phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Khi đời sống đã ổn định và dần khấm khá, những người con đất Tổ đã xin phép chính quyền xây dựng Đền thờ Vua Hùng để tưởng nhớ cội nguồn, gốc rễ, để dạy con cháu không được phép quên công ơn của các bậc tiền nhân, của tổ tiên ngàn đời. Đền thờ được xây dựng lên từ tấm lòng đoàn kết của bà con trên mảnh đất do một người dân sinh ra và lớn lên tại xã hiến tặng. Không phân biệt dân tộc, không phân biệt quê quán, tất cả mọi người khi đến Đền thờ đều xúc động trong niềm thành kính thiêng liêng và lòng tin vững chắc mình là con cháu Vua Hùng, mình là con Rồng cháu Tiên.

Ngày Giỗ Tổ, đủ các điệu múa, hát, tiếng trống thiêng, nhịp chiêng ngân cùng ngân lên, đủ các món bánh chưng, bánh giày, các món bánh truyền thống và đặc sản của từng vùng đất cũng được dâng lên Vua Hùng. Rồi thi hát xoan, thi gói bánh, thi bắn nỏ, những nét văn hóa truyền thống đất Tổ được tái hiện lại đầy đủ. Ngoài ngày Giỗ Tổ, ngày lễ, tết, các cuộc họp thôn, bon của xã đều diễn ra tại Đền thờ. Nơi đây không chỉ là niềm tự hào của những người con Phú Thọ xa quê hương lập nghiệp tại biên giới mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc cùng sinh sống, bảo vệ mảnh đất này.

Dòng suy nghĩ đưa Phú nhớ về những ngày còn được bên ông nội. Anh thấy mắt mình ươn ướt. Ngày ông còn khỏe và Phú cũng mới chỉ là một đứa trẻ, có năm, ông nội đưa Phú về thăm quê, đi viếng Đền Hùng đúng vào ngày Giỗ Tổ. Ông nắm tay Phú ngước nhìn ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh, ngắm mây trắng bay trên đỉnh núi, khẽ kể cho Phú nghe câu chuyện ông cùng đồng đội được gặp Bác Hồ.

Ông nội là bộ đội từ cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông kể năm ấy, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô, ngay tại Đền Hùng, ông cùng đồng đội được quây quần bên Bác, nghe Bác dặn dò: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu chuyện ông kể và lời căn dặn ông khắc ghi trong tim đã truyền sang Phú, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người chiến sĩ biên phòng trong anh.

Ngày anh khoác lên mình bộ quân phục học viên, ông nội nghẹn ngào cầm tay anh, trong mắt ông chứa đựng niềm tự hào mà suốt cuộc đời Phú không thể nào quên được. Chỉ tiếc, ông không được chứng kiến ngày anh tốt nghiệp, chính thức trở thành một sĩ quan biên phòng, ngày đêm cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà bao thế hệ đã đổ máu xương để giành lấy.

Tin từ người có uy tín báo các đối tượng lừa đảo đã có mặt tại bon xa nhất trên địa bàn huyện, Phú cùng tổ công tác lập tức lên đường. Nhóm đối tượng này gồm ba nam, hai nữ, chia nhau hoạt động tại các thôn, bon vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện, lôi kéo các nạn nhân đa số là nam nữ thanh niên và trẻ vị thành niên bằng chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” rồi bán các nạn nhân vào các cơ sở karaoke, massage trá hình, lừa đảo các cô gái bán qua các tụ điểm mại dâm ở biên kia biên giới.

Lần này, chúng lại dùng chiêu thức cũ để lừa đảo một số thanh niên qua Campuchia với lời hứa không cần làm việc vất vả mà vẫn có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Thấy bị lộ, các đối tượng định chạy vào rừng để trốn thoát nhưng đã bị các trinh sát mật phục bắt gọn.

Từ lời khai của các đối tượng, lãnh đạo cử tổ công tác tiếp tục phối hợp xác minh giải cứu một bé gái mười lăm tuổi sinh sống tại bon bị bán vào một sòng bạc tại Campuchia. Gia đình bé gái có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Cháu không biết cha là ai, mẹ cháu lại không được nhanh nhẹn, bình thường như người khác, bị lợi dụng xâm hại rồi sinh ra cháu. Nhà nghèo, mẹ bệnh tật, cô bé ấy từ nhỏ đã chịu thương chịu khó làm thuê làm mướn đổi gạo nuôi mẹ. Lợi dụng mong muốn kiếm được nhiều tiền để chữa bệnh cho mẹ, lũ quỷ đội lốt người đã nhẫn tâm lọc lừa cháu.

Nhìn người mẹ không tỉnh táo vật vã khóc lóc gọi tên con, Phú không thể nào cầm lòng nổi. Nhất định anh sẽ tìm cách giải cứu cháu, đưa cháu về với mẹ. Về lâu dài, anh sẽ đề xuất hội phụ nữ hỗ trợ cháu đi học nghề để sau này có công ăn việc làm, lo được cuộc sống cho hai mẹ con.

Nhờ công an phía Campuchia hỗ trợ, sau vài ngày, tổ công tác đã liên hệ và trao đổi trực tiếp với quản lý casino. Mức tiền chuộc trên trời được đưa ra với đủ mọi lý do. Kiên nhẫn từng chút một, Phú thương lượng bằng thái độ mềm dẻo nhưng hết sức quyết liệt. Mức tiền chuộc giảm dần. Cháu bé được giải cứu sau hơn chục ngày bị đánh đập, hành hạ. Ký ức kinh hoàng có lẽ sẽ còn ám ảnh cháu rất lâu. Nhưng vòng tay của mẹ, của bà con chòm xóm, của các cô chú đoàn thể, chính quyền sẽ giúp chữa lành những tổn thương trong cháu.

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống vọng nhớ Quốc Tổ vang lên trong buối sáng trong lành, vọng khắp vùng đồi núi, hòa với tiếng thác ầm ì suốt ngày đêm không nghỉ. Nhìn cụ già quắc thước vung đôi tay đánh từng hồi trống lễ, Phú thấy nhớ ông nội quá. Bài trống này, ông nội anh cố gắng truyền lại cho lớp con cháu đi xây dựng kinh tế mới với lời nhắn nhủ phải tiếp nối, không được để thất truyền.

Ngày bé, ông cũng đã dạy Phú. Ông bảo Phú hãy dùng trái tim để lắng nghe, sẽ thấy trong tiếng trống là hồn thiêng sông núi, là linh thiêng nguồn cội, là hào khí các bậc tiền nhân mang sức trai ra trận, là tiếng vọng của trầm tích ngàn năm hun đúc nên văn hiến dân tộc. Theo nhịp trống, chủ tế và các nữ tế bái tổ, dâng hương, dâng trà, dâng rượu bằng lòng thành kính của cháu con tưởng nhớ công ơn Quốc Tổ. Lĩnh cũng được tham gia vào đội nữ tế, chắc hẳn con bé tự hào lắm. Hồi nhỏ, lúc nào nó cũng khoe tên mà ông nội đặt cho hai anh em đều gắn bó mật thiết với vùng đất chôn nhau cắt rốn.

Rồi từng điệu hát được ngân lên, từng nhịp chiêng trầm hùng mời gọi. Có cô thiếu nữ nào nắm tay Phú kéo anh tham gia vào điệu xoang Tây Nguyên nhịp nhàng. Chúng mình đều là con cháu Vua Hùng mà. Anh nghe giọng ai cất lên thân thiết trong tiếng ca rộn rã…

BID marathon mobile
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nhịp trống thiêng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO