Nhìn nhận và phát huy giá trị Công viên địa chất Đắk Nông
Việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông góp phần bảo tồn và phát huy tiềm năng, thế mạnh các giá trị di sản trong vùng công viên địa chất.
Phát huy tổng thể các giá trị di sản
Ngày 22/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản trong vùng CVĐC theo đúng yêu cầu, hướng dẫn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu tái thẩm định.
Giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu. Trọng tâm là phê duyệt, triển khai Đề án khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; điều tra, nghiên cứu, đánh giá, xếp hạng ít nhất 1 di sản có giá trị khoa học mang tầm quốc tế. Mỗi huyện, thành phố trong vùng CVĐC xây dựng ít nhất 1 mô hình du lịch cộng đồng và 2 - 5 chương trình giao lưu văn hóa địa phương phục vụ du lịch. Toàn tỉnh thu hút ít nhất 3 nhà đầu tư đủ tiềm lực; hoàn thiện tích hợp, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch liên quan đến CVĐC bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch chung của tỉnh. Hàng năm tham gia ít nhất 1 sự kiện thuộc mạng lưới CVĐC trong nước, quốc tế; bảo đảm đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO để phục vụ công tác tái thẩm định vào năm 2023 và các lần tái thẩm định tiếp theo...
Đến năm 2030 đưa CVĐC thực sự trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư trong vùng CVĐC nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.
Để nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương tích cực phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 14 thành Kế hoạch số 236 ngày 10/5/2022. Từ đó, các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, văn bản chỉ đạo về giáo dục, nâng cao nhận thức, bảo vệ, phát huy các điểm di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Những kết quả nổi bật
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 3 năm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14 đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cộng đồng trong bảo tồn, khai thác bền vững, phát huy tổng thể các giá trị di sản của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông ngày càng nâng cao. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, nhất là tại các địa phương có CVĐC và các thị trường trọng điểm về du lịch được quan tâm.
Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, đa phương về các lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch, giáo dục khoa học địa chất với các CVĐCTC khác trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, việc Đắk Nông đại diện cho Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) năm 2022 đã góp phần tăng cường hợp tác khoa học, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được chú trọng. Đắk Nông có thêm 2 di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh được công nhận, nâng tổng số di tích đã được xếp hạng lên 18 di tích và 55 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong vùng CVĐC được đưa vào danh mục kiểm kê.
Một số ngành nghề thủ công, tập tục, lễ nghi truyền thống trong vùng CVĐC được phục dựng bảo tồn. Trong đó, hai nghề truyền thống được công nhận là rượu cần và dệt thổ cẩm (Gia Nghĩa); Lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ, Nghệ thuật trình diễn Nau M'Pring (dân ca) và dệt thủ công truyền thống của người M'nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Toàn tỉnh xây dựng được 9 mô hình du lịch cộng đồng, 31 đội văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch, 11 lễ hội tiêu biểu, đặc trưng.
Công tác thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được chú trọng. Đến nay, chuyên đề số 26 “Phương án quy hoạch vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản quan trọng và phát triển du lịch CVĐC gắn với thiên nhiên, văn hóa vùng di sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được tích hợp chung vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Hiện đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Công tác đầu tư phát triển các điểm đến tiêu biểu trong vùng CVĐC được quan tâm. Tỉnh đã bổ sung, điều chỉnh từ 44 điểm thành 41 điểm cho phù hợp với tình hình phát triển CVĐC trong giai đoạn mới. Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các điểm đến trong vùng CVĐC phục vụ du lịch và tái thẩm định CVĐC. Nhiều cơ chế chính sách phục vụ phát triển CVĐC trong thời gian tới được ban hành. Trong đó, UBND tỉnh ban hành danh mục 22 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư. Hiện có 3 dự án du lịch bảo đảm điều kiện pháp lý gồm: Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung, TP. Gia Nghĩa; Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, huyện Đắk Song; Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, huyện Cư Jút…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14
Để Nghị quyết số 14 thực hiện ngày càng hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng về mục đích, ý nghĩa xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiếp tục được tăng cường. Trọng tâm, đẩy nhanh hoàn thiện việc khoanh vùng, phát huy giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các lĩnh vực hoạt động của CVĐC được tăng cường. Địa phương tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ, tạo sinh kế, giải quyết việc làm thông qua hoạt động du lịch cho cộng đồng trong vùng CVĐC. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trong vùng CVĐC để hình thành đội ngũ vận hành tại các điểm, hệ thống đối tác phát triển du lịch trong vùng CVĐC... được chú trọng.