Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, Litva ngày 12/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp thượng đỉnh trong 2 ngày 11-12/7 tại thủ đô Vilnius, Litva.
Xung đột Ukraine và kết nạp Thụy Điển là các chủ đề chính trong chương trình nghị sự nhằm củng cố năng lực phòng thủ của châu Âu nhưng NATO cũng chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
NATO đã đạt được một số quyết định quan trọng tại hội nghị song vẫn còn hàng loạt bài toán khó chưa có lời giải bởi những yếu tố khó lường tiềm ẩn.
Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi ý định, đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và cho biết sẽ chuyển đề nghị phê chuẩn để quốc hội thông qua. Quyết định của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường để NATO có thể kết nạp thành viên thứ 32 trong vài tháng tới.
Nếu như quá trình gia nhập của Thụy Điển thuận lợi thì ý tưởng kết nạp Ukraine gặp nhiều trắc trở.
Trên nguyên tắc, toàn bộ các nước NATO không phản đối Kiev trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự lớn nhất thế giới, nhưng các thủ tục và thời gian biểu cho điều này vẫn còn rất mơ hồ.
Mặc dù đều cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chưa có thành viên nào ủng hộ Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức và vô điều kiện. Trong số các nước có ảnh hưởng lớn, Mỹ và Đức giữ thái độ chưa sẵn sàng vì lo ngại phản ứng mạnh của Nga, kể cả trong trường hợp diễn biến trên chiến trường có lợi cho Ukraine.
NATO tiếp tục ưu tiên theo đuổi mục tiêu răn đe, vì thế cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva. Một số nước khác như Pháp, Ba Lan muốn đưa ra những cam kết cụ thể hơn, nhưng cũng chưa đến mức sẵn sàng chấp nhận một quốc gia đang có chiến tranh gia nhập khối.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng mạnh trước sự do dự của NATO, cho rằng liên minh “không có thiện chí mời Ukraine gia nhập, cũng không muốn nước này trở thành thành viên."
Kiev chờ đợi các nhà lãnh đạo NATO đưa ra một cam kết cụ thể và chắc chắn hơn nhiều tuyên bố chào mừng mà Gruzia đã nhận được cách đây 15 năm tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest (Romania).
Ukraine cũng muốn bảo đảm rằng sự hậu thuẫn của NATO cho nước này là không có giới hạn cả về thời gian và quy mô. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky hiểu rằng việc đưa ra một thời gian biểu cụ thể trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi khi mà triển vọng kết thúc cuộc xung đột với Nga vẫn còn chưa chắc chắn.
Trong lịch sử, NATO chưa có tiền lệ kết nạp một quốc gia đang có chiến tranh, bản thân Ukraine được chấp nhận là một ứng cử viên đã là một sự chiếu cố rất lớn của NATO.
Sự đồng thuận tối thiểu về Ukraine phản ánh bất đồng trong nội bộ liên minh. Theo đánh giá của báo chí châu Âu, Mỹ, Đức và một số nước thực dụng chưa có ý định đi quá nhanh, mà tập trung cho mục tiêu hỗ trợ Ukraine đạt kết quả trước mắt.
Trong khi đó, Anh, Pháp và các nước Đông Âu ủng hộ đưa ra một lộ trình rõ ràng, cho rằng Ukraine nên được gia nhập NATO càng sớm càng tốt. Quyết định nửa vời có thể gây ra những hệ lụy cho tương lai, khiến cho cuộc xung đột có thể kéo dài, thậm chí nhiều thập niên.
Nga chắc chắn không muốn chứng kiến có thêm một nước láng giềng đứng trong hàng ngũ một liên minh đối địch sau khi biên giới NATO mở rộng sang cả Thụy Điển và Phần Lan. Nhìn chung, vấn đề kết nạp Ukraine vẫn là "bài toán khó" của NATO.
Nhưng Tổng thống Zelensky không trở về tay không. Ngoài các hứa hẹn viện trợ thêm vũ khí từ Pháp, Đức (Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ gửi tên lửa tầm xa Scalp, phiên bản Pháp của Storm Shadow còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ cung cấp lượng vũ khí trị giá 700 triệu euro), lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), đều có mặt tại Vilnius, đã công bố một kế hoạch an ninh dài hạn, cam kết cung cấp lâu dài cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại, huấn luyện quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, phòng thủ mạng để nước này có thể phòng thủ và răn đe chống lại nguy cơ bị tấn công trong tương lai.
Nhiều nước thành viên NATO có thể sẽ thảo luận với Kiev những thỏa thuận an ninh tương tự theo hình thức song phương hoặc đa phương. Tuy nhiên, những động thái này có khả năng kéo theo những yếu tố khó lường khiến tình hình an ninh châu Âu thêm phức tạp.
Phía Nga cũng cảnh báo việc NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine khiến mối đe dọa về nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba đến gần hơn.
Nhân dịp này, NATO đã nhất trí tiến hành hàng loạt bước đi để củng cố sức mạnh răn đe của khối, thực hiện các quyết định đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Madrid (Tây Ban Nha) năm 2022.
Ngoài việc triển khai 8 nhóm tác chiến cấp lữ đoàn tại sườn phía Đông, tăng gấp đôi so với thời điểm trước xung đột Ukraine, NATO sẽ mở rộng hiện diện quân sự bằng cách tăng cường tập trận, nâng cao năng lực triển khai lực lượng tiếp viện cho khu vực.
Các nước NATO tái khẳng định cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong nhiều trường hợp cao hơn.
Bên cạnh việc mở rộng, một trong những vấn đề đáng chú ý tại sự kiện năm nay là chủ đề về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần đầu tiên được đưa vào thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh. Các nhà lãnh đạo NATO nhấn mạnh “các diễn biến tại khu vực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu-Đại Tây Dương," hoan nghênh đóng góp của các đối tác then chốt - gồm Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand (AP4) - đối với NATO.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ký thỏa thuận về Chương trình đối tác riêng biệt tăng cường hợp tác song phương trong 4 năm tới trên nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có an ninh mạng và chống tin giả.
Trước thềm hội nghị, giới quan sát tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo dõi sát ý tưởng NATO mở văn phòng liên lạc ở Tokyo để phối hợp hợp tác với bốn đối tác nêu trên. Nội dung này cuối cùng đã không xuất hiện trong bản tuyên bố chung, theo tiết lộ của báo Nikkei, do không đạt được đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Như vậy, khả năng NATO lập văn phòng đại diện ở Nhật Bản sẽ còn phải chờ đợi thêm.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh ở Vilnius, Litva, ngày 11/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên tiếp hai kỳ thượng đỉnh, NATO mời nhóm 4 đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham dự, củng cố quan hệ song phương. Hàng loạt thỏa thuận hợp tác với từng nước đã được ký kết trong thời gian gần đây.
Với những diễn biến này, việc có hay không một văn phòng liên lạc ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương không phải là yếu tố quyết định tới sự can dự của NATO vào khu vực dù Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết chủ đề vẫn tiếp tục đặt trên bàn thảo luận.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Mathieu Droin của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), “sự hiện diện hay can dự của NATO tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước trong khu vực còn hơn cả giữa các nước thành viên, chắc chắn không chỉ có Trung Quốc phản đối."
Ngoài các chương trình hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác hiện có, còn quá sớm để hình dung NATO sẽ hiện diện trong khu vực như thế nào./.