Khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi dê, nhưng do thiếu vốn, nên anh Hà Văn Cương, ở xã Long Sơn (Đắk Mil) chỉ có thể phát triển ở quy mô nhỏ, thu nhập không đáng kể.
Năm 2019, anh Cương đã vay Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh 100 triệu đồng để đầu tư, mở rộng chuồng trại lên thành 250m2, mua thêm con giống về chăn nuôi.
Hiện nay, anh Cương duy trì khoảng 100 con dê sinh sản, 50 con dê thịt trong chuồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư dê theo hình thức vỗ béo để xuất bán dê thịt hằng tháng.
Theo tính toán của anh Cương, lợi nhuận đàn dê mang lại mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh đã tận dụng phân dê để chăm sóc cho vườn cà phê, cây ăn trái, bảo đảm nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Lượng phân dê dư thừa được anh bán cho bà con quanh vùng, thu về tầm 20 triệu đồng mỗi năm.
Anh Cương mở rộng quy mô đàn dê nhờ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp |
Tương tự, mô hình phát triển xưởng may công nghiệp của chị Mai Thị Hường, ở xã trúc Sơn (Cư Jút), cũng được hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Sau thời gian khởi nghiệp, chị Hường muốn mở rộng quy mô, nhưng thiếu vốn.
Tháng 8/2020, sau khi nắm bắt được nguyện vọng và đánh giá tiềm năng mô hình của chị Hường, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh đã cho chị vay 100 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay, chị Hường mua thêm máy may phục vụ sản xuất. Từ 10 máy ban đầu, đến nay xưởng may của chị đã có hơn 30 máy. Quy mô được mở rộng, lượng hàng gia công cũng tăng lên hằng tháng.
Theo chị Hường, lợi nhuận mỗi năm của chị đạt hơn 200 triệu đồng. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình mình, chị còn tạo việc làm cho 30 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hường chia sẻ: "Nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã giúp tôi thực hiện được phương án mở rộng quy mô sản xuất, thu hồi vốn nhanh và tạo doanh thu khá tốt".
Năm 2019, Tỉnh đoàn Đắk Nông thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế của thanh niên. Đến nay, đã có 15 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ vay vốn từ quỹ này, với mức vay từ 60-100 triệu đồng/1 dự án.
Ngoài 2 dự án nói trên, nhiều mô hình kinh tế khác của thanh niên được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát huy tốt hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Bùi Công Thức; mô hình nuôi thỏ thịt của anh Phạm Văn Hùng; mô hình trồng măng tây xanh của anh Hoàng Văn Thanh, Lê Thanh Tùng…
Sau thời gian triển khai, Tỉnh đoàn Đắk Nông đánh giá các dự án đều thực hiện đúng các quy định về sử dụng nguồn vốn. Hiệu quả kinh tế của các dự án đang từng bước được khẳng định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều thanh niên.
Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã tạo cơ hội cho nhiều thanh niên nông thôn khởi nghiệp thuận lợi hơn. Nhiều dự án quy mô nhỏ của thanh niên đã được đầu tư, mở rộng, áp dụng công nghệ, góp phần đa dạng hóa các giải pháp phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.