Nhiều nông dân Đắk Nông trúng vụ vải thiều
Năm nay thời tiết thuận lợi, nhà vườn xử lý ra hoa sớm nên nhiều vườn vải thiều ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) đạt năng suất cao, bán được giá.
Cây vải thiều bén duyên với nông dân huyện Cư Jút gần 10 năm nay. Những năm qua, người dân ở các vùng khô cằn, đất sỏi đá như Đắk Wil, Ea Pô, Đắk D’rông… đã chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng cây vải và cho hiệu quả kinh tế cao.
.jpg)
Theo ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Jút, năm nay giá vải thiều tăng cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đây cũng là loại cây trồng mang lại nhiều triển vọng và hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Như nhiều hộ trồng vải khác, ông Nam trồng hơn 60 cây vải thiều. Do biết cách xử lý cho cây ra hoa, đậu trái sớm, nên vườn vải của ông bán được giá cao vào thời điểm đầu vụ. Ông Nam cho biết: “Vải thu hoạch đầu vụ bán rất chạy. Với sản lượng hơn 4 tấn, tôi bán được giá trên 50.000 đồng/kg. Việc áp dụng biện pháp xử lý ra hoa sớm giúp người dân có thu nhập khá cao từ cây vải.”
.jpg)
Trong quá trình canh tác, ông Nam áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ. Nhờ vậy, vườn vải không những đạt năng suất ổn định mà còn bảo đảm chất lượng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm.
Gia đình anh Phạm Văn Thành, thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút đã mua lại một vườn vải hơn 1ha với khoảng 350 cây. Theo anh Thành, năm nay thời tiết thuận lợi, vườn vải cho sản lượng hơn 10 tấn.
Để tìm ra phương pháp canh tác phù hợp cho cây vải trên vùng đất sỏi đá Ea Pô, mỗi năm anh Thành áp dụng một cách chăm sóc khác nhau. Từ đó, anh chọn được giải pháp và thời điểm hợp lý nhất để giúp vườn vải ra hoa, đậu trái theo ý muốn. Anh Thành chia sẻ: “Đối với cây vải ở đất Ea Pô, muốn ra trái sớm hơn các vùng khác thì phải tưới nước sớm. Đó là kinh nghiệm tôi rút ra sau 3 năm canh tác vườn vải này.”
Vụ vải năm nay, sau Tết anh Thành mới bắt đầu tưới nước nên vườn vải chín chậm hơn khoảng một tháng so với các vườn trong vùng. Mặc dù vậy, anh không lấy làm tiếc vì đã tìm ra được biện pháp chăm sóc hiệu quả hơn cho những năm sau.
.jpg)
“Năm ngoái, vào dịp Noel tôi bắt đầu cung cấp nước cho vườn cây, đồng thời bón các loại phân trung vi lượng giúp cây có đủ dưỡng chất để ra hoa, đậu trái. Do đó, đến 30/4 là thu hoạch xong”, anh Thành cho biết thêm.
Cũng theo anh Thành, ngoài việc bảo đảm đủ nước tưới, khi vải bắt đầu hình thành trái – nhất là giai đoạn từ hoa chuyển sang trái – cần phòng ngừa sâu bệnh và côn trùng để tránh trứng ký sinh trong quả. Đây là giai đoạn quan trọng để phòng ngừa hiện tượng đầu đen, thối trái trên cây vải.
Ông Đỗ Duy Nam thông tin thêm, nếu chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật, vải trồng trên vùng đất trắng Cư Jút thường có vị ngọt thanh, ít chua, kích cỡ trái đồng đều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhà vườn chưa chú trọng việc bón kali để tạo mẫu mã đẹp cho quả.
Lợi thế của cây vải ở Đắk Nông là chín sớm hơn khoảng một tháng so với các tỉnh phía Bắc. Nhờ đó, trái vải Đắk Nông dễ tiêu thụ, giá ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Jút
Những năm qua, để khai thác lợi thế đất đai, huyện Cư Jút đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 200ha từ cây công nghiệp sang cây ăn trái. Trong đó, riêng diện tích trồng vải đạt hơn 60ha, sản lượng gần 140 tấn/năm.
“Việc chủ động chuyển đổi cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng để tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi đang được người trồng vải ở huyện Cư Jút áp dụng. Nhờ đó, cây vải đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân”, ông Nam chia sẻ.