Trong không gian tĩnh lặng, các độc giả hình như chỉ chú tâm vào những cuốn sách yêu thích, quên đi mọi thứ xung quanh mình. Ở đây, chúng tôi gặp Thượng úy Đỗ Văn Huệ, công tác tại Công an thị xã Gia Nghĩa-một trong những độc giả thường xuyên của Thư viện tỉnh.
Anh Huệ vui vẻ: “Ngoài công việc chuyên môn, gia đình tôi cũng có làm thêm một ít sào tiêu. Để nâng cao kiến thức, tôi thường đến thư viện mượn các cuốn sách hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây tiêu, rồi ghi lại để tích lũy kinh nghiệm cho mình. Sách không chỉ giúp tôi nâng cao kiến thức về chính trị, xã hội mà còn hướng dẫn nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, thiết thực có thể áp dụng vào thực tế gia đình".
Thượng úy Đỗ Văn Huệ là độc giả thường xuyên của Thư viện tỉnh |
Tại một vị trí khác, chị Huỳnh Thị Ánh Nguyệt ở phường Nghĩa Trung cũng say sưa đọc sách. Theo chị Nguyệt, mỗi cuốn sách đều có một giá trị riêng biệt, chỉ có yêu sách, mê đọc sách mới nhận ra được điều đó. Ngoài những cuốn sách về công tác chuyên môn, văn bản hiện hành, chị còn tìm hiểu thêm các cuốn sách nói về kỹ năng nuôi con tốt, biểu hiện tâm lý của con trẻ…
Chị Nguyệt cho biết: “Đọc sách báo là một thói quen lành mạnh, giúp tôi cân bằng được cuộc sống, nhất là sau những ngày làm việc căng thẳng. Đặc biệt, qua sách báo, tôi biết được thêm nhiều phương pháp nuôi dạy, chăm sóc con thời hiện đại, giúp con cái phát triển một cách toàn diện”.
Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, các em học sinh trên địa bàn cũng thường xuyên đến thư viện tìm hiểu, đọc sách. Em Lê Nhã Phương ở thôn Tân Bình, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết, với em, mỗi quyển sách đều mang trong mình những ý nghĩa riêng biệt và đó chính là bài học để em bước vào đời. Do đó, mỗi khi rảnh rỗi, em đều ra thư viện để tìm đọc các loại sách mà mình yêu thích.
Bạn Nguyễn Thị Kiều Trinh ở phường Nghĩa Tân cũng cho hay: “Nhờ đọc sách mà em đã có thêm nhiều kiến thức và học được cách hành văn hay, lôi cuốn. Sách ở thư viện khá phong phú, nên em có nhiều sự lựa chọn và có thể đọc được rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, sau những giờ học căng thẳng, em chọn đọc truyện tranh để giải trí. Qua sách, em học được nhiều bài học hay về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế, cách vượt qua khó khăn hoạn nạn”.
Theo bà Đặng Thị Mơ, Giám đốc Thư viện tỉnh, hiện nay, dưới sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như các phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhưng nhiều người vẫn duy trì được thói quen đọc sách hàng ngày là một tín hiệu đáng mừng. Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện nhân cách của con người. Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ngành Văn hóa tỉnh đã được giao nhiệm vụ “xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng hiệu quả thế hệ đọc trong tương lai”, nhất là thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Do đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, ngoài nguồn kinh phí được cấp để duy trì việc bổ sung sách báo, Thư viện tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý tài liệu, tạo nhiều cơ sở dữ liệu giúp bạn đọc tra cứu thuận tiện. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách, báo ở cơ sở để thu hút bạn đọc, góp phần xóa dần sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa người dân nông thôn và thành thị.