Điểm sáng Đắk Song
Đắk Song là một trong những địa phương có nhiều mô hình ANTT được xây dựng, phát huy hiệu quả và ngày càng nhân rộng.
Tổ an ninh nhân dân ở xã Thuận Hà thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo đảm ANTT trên địa bàn |
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song, sau nhiều năm tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay trên địa bàn huyện Đắk Song đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm như: “Thôn an toàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở xã Nâm N’Jang; “Tiếng kẻng an ninh” ở thị trấn Đức An và xã Thuận Hà; “Tự quản ANTT trường học” và “Xã không ma túy” ở xã Đắk N'Drung; “Không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở xã Trường Xuân…
Với việc thu hút được cộng đồng tham gia, người dân ngày càng có ý thức cao trong công tác phòng chống tội phạm. Mới đây, người dân đã báo cho Công an xã Thuận Hà một đối tượng từ địa phương khác tới hái tiêu thuê tại địa bàn nhưng có nhiều nghi vấn. Sau đó, Công an xã Thuận Hà xác minh và nhanh chóng làm rõ, đối tượng tên Kpã Thưc đang bị Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) truy nã.
Công an xã Thuận Hà đã tổ chức lực lượng bắt giữ Kpã Thưc và chuyển đối tượng lên Công an huyện Đắk Song làm thủ tục bàn giao cho Công an huyện Đức Cơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên 100 mô hình tại cơ sở
Theo Công an tỉnh, với vai trò nòng cốt, thời gian qua, lực lượng công an các cấp, nhất là công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn, duy trì các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Các mô hình thật sự là "tai mắt" hết sức cần thiết cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động 1.219 tổ tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải, tổ dân phòng... với gần 7.000 thành viên thường xuyên tham gia.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có trên 100 mô hình giữ gìn ANTT tại cơ sở như: "Thôn an toàn về ANTT", "Tiếng kẻng an ninh", "Xã không có tội phạm ma túy", "Khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT", "Bảo vệ cà phê", "Tổ tuần tra đường biên", "Cánh cổng an ninh", "Giáo xứ không có tín đồ vi phạm pháp luật", "Câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội", "Cụm loa phát thanh di động tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong khu dân cư", "Camera an ninh", “Ánh sáng an ninh”, "Trường học an toàn về ANTT", “Zalo phòng, chống tội phạm”…
Hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân, các thành phần trong xã hội tích cực tham gia. Từ đó, tại các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều gương người dân dũng cảm trực tiếp truy bắt tội phạm, hoặc sẵn sàng thông báo những tin tức có giá trị cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Những mô hình hiệu quả đã và đang được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng và đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc phòng ngừa, đấu tranh và giữ gìn ANTT tại cơ sở.
Từ thực tế cho thấy, hiệu quả thiết thực nhất của các mô hình chính là đã khơi dậy được ý thức người dân chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm.
Qua đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và giải quyết các vụ việc xảy ra, bảo đảm ANTT ngay tại cơ sở, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.