Nhiều kỳ vọng với diễn đàn lắng nghe cơ sở ở Đắk Nông
Chương trình Gặp mặt, đối thoại giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở năm 2023 là một trong những diễn đàn lắng nghe ý kiến, tiếng nói từ cơ sở để tạo tính thống nhất, thông suốt trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gửi gắm nhiều kỳ vọng
Đội ngũ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đều phấn khởi, kỳ vọng chương trình sẽ là diễn đàn để nói lên tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Đồng chí Lê Viết Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết: “Chương trình đối thoại này là một cách làm mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Đây là dịp để chúng tôi trực tiếp gặp gỡ những người đứng đầu cấp tỉnh và nêu lên ý kiến của cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng... Tôi cũng mong rằng, qua chương trình sẽ lắng nghe, học hỏi được những ý kiến, giải pháp hay để áp dụng vào thực tiễn công tác”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đắk Hòa (Đắk Song) Nguyễn Đức Phương, thông qua chương trình, Đảng ủy xã mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các ban ngành liên quan chia sẻ, đề xuất những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh.
Bởi qua một năm thực hiện nghị quyết phát triển 3% tổng số đảng viên/năm, Đắk Hòa thực sự gặp rất nhiều khó khăn về công tác tạo nguồn. Nếu phát triển không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức cơ sở đảng và không tạo được sức mạnh cho Đảng.
“Tôi mong rằng, Chương trình đối thoại sẽ là chìa khóa, giúp chúng tôi mở được những vướng mắc, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương không chỉ trong phát triển đảng viên mà các lĩnh vực khác”, đồng chí Nguyễn Đức Phương cho biết.
Đồng chí Bùi Thị Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho rằng, Chương trình đối thoại với người đứng đầu cấp xã là một cách làm mới không chỉ phát huy dân chủ mà còn là diễn đàn lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở đối với người lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Hiện nay, vấn đề được các xã, phường ở Gia Nghĩa quan tâm nhất là về phát triển đảng viên và công tác cán bộ.
Đặc biệt, các quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, dẫn đến tình trạng, một số cán bộ né tránh, ngại va chạm. Bí thư Đảng ủy xã Đắk R’moan mong muốn, qua chương trình đối thoại sẽ lắng nghe được những cách làm hay trong lãnh đạo, chỉ đạo để áp dụng vào thực tiễn. Từ đó, giúp địa phương phát huy được tính dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Chương trình sẽ đặt nền móng cho cấp cơ sở trong việc đối thoại, tăng cường đối thoại để khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói những tồn tại, hạn chế, vướng mắc để tìm giải pháp khắc phục”, đồng chí Thủy cho biết.
Đồng chí K’Lông, Bí thư Đảng ủy xã Đắk R’măng (Đắk Glong) mong rằng, Chương trình đối thoại với Ban Thường vụ Tỉnh ủy phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, nhất là thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi hiện nay, một số dự án thuộc 3 chương trình nói trên đang vướng rất nhiều liên quan đến quy hoạch bô xít, đất đai làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.
“Qua Chương trình, tôi mong muốn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ nắm bắt cụ thể hơn, sâu sát hơn cơ sở. Tôi mong muốn tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quy hoạch bô xít, đất đai để các dự án được sớm triển khai, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng khó khăn, dân tộc thiểu số phát triển”.
Hơn 70 câu hỏi gửi đến chương trình
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay, qua tổng hợp các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của các huyện ủy, thành ủy trực thuộc có 60 câu hỏi liên quan đến lĩnh vực kinh tế; 4 câu hỏi, đề xuất liên quan đến văn hóa, xã hội; 13 câu hỏi liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Về lĩnh vực kinh tế, các địa phương đề xuất, kiến nghị các vấn đề chủ yếu như quản lý đất công; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án để người dân yên tâm ổn định sản xuất. Các địa phương cũng mong tỉnh giải quyết khó khăn do quy hoạch bô xít làm chậm tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án; xây dựng phương án sử dụng đất thu hồi đất từ các nông lâm trường; sửa chữa nâng cấp một số tuyến đường giao thông huyết mạch...
Đối với sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương kiến nghị, xem xét, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường; có chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư để từng bước khắc phục tình trạng được mùa mất giá và ngược lại; kiểm tra, giám sát tình trạng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng...
Liên quan đến Chương trình Xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến đề xuất hỗ trợ vốn để xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông; các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường...
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, các huyện ủy, thành ủy đề xuất trung ương, tỉnh tạo cơ chế mở trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, sửa chữa, xây mới nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho cho các hộ dân tộc thiểu số khó khăn, nhưng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Trong lĩnh vực công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhiều kiến nghị nêu lên khó khăn trong việc lựa chọn, bố trí, giới thiệu chức danh chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã; xem xét chế độ đối với đội ngũ làm công tác văn phòng cấp ủy cơ sở; cho chủ trương bổ sung chức danh phó bí thư đảng ủy đối với các xã biên giới có lực lượng biên phòng tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp xã..
Nhiều ý kiến đề xuất cần có quy định cụ thể về độ tuổi, trình độ, thời gian giữ chức vụ bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; ban hành văn bản quy định một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của cấp ủy xã, phường làm cơ sở thực hiện...
Ngoài ra, các địa phương kiến nghị sớm triển khai thực hiện đăng ký và sử dụng chữ ký số đối với lãnh đạo cấp ủy cơ sở; có chủ trương, đề ra nguyên tắc cho việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của công chức; hỗ trợ các đối tượng khi được luân chuyển, điều động từ cấp huyện về cấp xã giữ chức vụ chủ chốt được thi nâng ngạch chuyên viên chính; khó khăn trong phát triển đảng viên...