Phân luồng, hướng nghiệp học sinh
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có hơn 6.700 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này, có hơn 1.580 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sau đó đi học nghề.
Các trường THPT tổ chức ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |
Lý giải về con số trên, cô giáo Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) cho rằng, nhờ tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, nên nhiều học sinh đã lựa chọn trường nghề thay vì học đại học, cao đẳng. Sự thay đổi này phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện tại, góp phần giải quyết việc làm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Trường THPT Krông Nô có khoảng 50% học sinh sử dụng kết quả thi để lựa chọn học nghề.
Thầy giáo Trần Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) cũng cho rằng, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành. Trong khi đó, nhu cầu thực tế là cần những lao động có kinh nghiệm, được thực hành, cọ xát trực tiếp và thành thạo công việc. Từ đó, học sinh đã lựa chọn học các trường nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Sinh viên được phân luồng, hướng dẫn chọn ngành, nghề thông qua các ứng dụng tuyển sinh (ảnh chụp trước 27/4/2021) |
Quyết định sớm để định hướng tương lai
Nguyễn Sơn Tùng (SN 1999) ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) từng là sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau học kỳ 1, Tùng nhận ra rằng học đại học không phù hợp với bản thân, đặc biệt là ngành mà bản thân đang theo học được dự đoán là “thừa” lao động. Ngay sau đó, Tùng quyết định nghỉ đại học để học ngành điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.
Chia sẻ về quyết định này, Tùng cho rằng, nếu học tập tốt thì 4 năm sau em sẽ tốt nghiệp đại học và sử dụng tấm bằng đó đi xin việc. Trong trường hợp không xin được việc, thì tấm bằng đại học coi như không có giá trị.
Học viên lớp điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông (ảnh chụp trước 27/4/2021) |
Không giống như Tùng, nữ sinh Dương Thị Thanh Hằng (SN 2003), học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) lựa chọn ngay việc học nghề sau khi tốt nghiệp. Hằng là thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trước đó em đã đăng ký học tại một trường dạy nghề tại tỉnh Đồng Nai.
Hằng chia sẻ: “Hiện nay nhu cầu làm đẹp của mọi người rất cao, không chỉ ở thành phố lớn mà ở cả nông thôn, nên em chọn học nghề thẩm mỹ. Sau khi tốt nghiệp, nếu không xin được vào các cơ sở thẩm mỹ làm việc, em có thể tự mình mở một cơ sở nhỏ và tự xây dựng hình ảnh, thương hiệu riêng cho chính mình”.
Ngành pha chế đồ uống đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn tại tỉnh Đắk Nông. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo cho biết, trong 3 năm học trở lại đây, xu hướng học sinh của tỉnh lựa chọn vào các trường nghề tăng theo hàng năm. Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh tại các trường học và sự thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc học tập của con cái.
“Trước đây, phụ huynh và cả học sinh đều có tư tưởng bằng mọi giá vào đại học. Thế nhưng, quá trình học không hiệu quả, khiến nhiều em phải thay đổi lựa chọn. Từ công tác phân luồng cho học sinh, căn cứ vào năng lực học tập của từng em, giáo viên sẽ định hướng, hướng nghiệp cho các em. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là học sinh, phải học đúng ngành, chọn đúng nghề và phải thực sự đam mê”, ông Phan Thanh Hải khẳng định.