Chật vật tìm nguồn nguyên liệu
Mỗi tháng, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cần 450 tấn nguyên liệu chanh dây để chế biến phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 20% công suất của nhà máy. Còn lại, đơn vị đang phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành lân cận như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai.
Theo bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty, hầu như ở các địa phương khác hiện đều có xưởng múc chanh dây, nên khi thu mua, phải có giá cạnh tranh hơn mới có nguồn hàng.
Cộng thêm chi phí vận chuyển khi chở về, nên chắc chắn giá thành phẩm của Công ty không thể cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất khác. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy, bắt buộc Công ty phải thu mua.
“Chanh dây có quanh năm, nhưng ở Đắk Nông cũng đang có rất nhiều nhà máy. Vùng nguyên liệu lại chưa phát triển đồng bộ, nên chưa thể đủ cung ứng cho sản xuất”, bà Vân chia sẻ thêm.
Nguyên liệu chanh dây tại chỗ chỉ đáp ứng 20% công suất chế biến của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) |
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đắk Song cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều tháng nay, Nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất vì nguồn nguyên liệu không đáp ứng được.
Theo ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Nhà máy, nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được 30% công suất sản xuất. Nhà máy hiện đang tìm thu mua sắn tươi tại Phú Yên, Đắk Lắk và cả Campuchia.
Giá thu mua sắn ở tỉnh ngoài có thấp hơn, nhưng chi phí phát sinh lại tăng mạnh. Cùng với đó, nguyên liệu sắn tươi vận chuyển đường dài cũng hao hụt khá lớn.
“Nhà máy có hỗ trợ về giống miễn phí cho bà con phát triển diện tích sắn, nhưng người dân trên địa bàn cũng không mặn mà với cây trồng này”, ông Nghĩa cho biết thêm.
70% nguyên liệu mỳ tươi tại Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) đang phải thu mua từ các tỉnh lân cận |
Từng bước tự chủ vùng nguyên liệu
Để ổn định nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm các giải pháp liên kết xây dựng vùng trồng tập trung.
Theo bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, Công ty đang liên kết với các HTX, hộ nông dân trong khu vực để cung cấp giống, tạo dựng vùng nguyên liệu.
Theo đó, bước đầu, doanh nghiệp hiện đang trồng thử nghiệm 3 ha chanh dây và liên kết với các hộ dân xung quanh trồng khoảng gần 100 ha.
Công ty đang tiếp tục làm việc với ngành Nông nghiệp để rà soát xem vùng nào phù hợp với cây chanh dây để có thể khuyến khích bà con liên kết trồng ở quy mô lớn.
Trong năm 2022, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) đang liên kết trồng gần 100 ha nguyên liệu tại Đắk Nông. Bắt đầu vào tháng 10/2022 tới, toàn bộ số cây trồng này sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến, sản lượng mang lại từ những diện tích liên kết này đạt khoảng 3.000 tấn.
Trong Kế hoạch Đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh tới việc hình thành các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân.
Hoạt động liên kết được thực hiện theo hướng “cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân” thông qua các hợp đồng.
Tỉnh khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung. Từ đó từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.