Công trình thủy lợi Đắk Mruông, xã Thuận Hạnh, được đánh giá là một trong những công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Tại đây, bè mảng cỏ trôi nổi chiếm phần lớn diện tích mặt thoáng lòng hồ. Các bè mảng cỏ có nguy cơ trôi dạt vào tràn xả lũ, gây cản trở dòng chảy.
Ngoài ra, nước từ rãnh thoát nước của tuyến đường liên thôn thường xuyên đổ thẳng xuống cửa vào cống lấy nước của công trình, gây bồi lấp nặng, nguy cơ tắc nghẽn cửa cống lấy nước.
Bè mảng cỏ xâm lấn mặt thoáng công trình thủy lợi Đắk Mruông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn |
Công trình thủy lợi Đắk Mruông có dung tích khoảng 200.000 m3 nước. Công trình phục vụ tưới cho trên 100 ha cây trồng, chủ yếu cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả.
Theo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Song, nếu trục vớt hết bè mảng cỏ, dự kiến có thể tăng dung tích tưới của công trình lên gấp đôi. Quan trọng hơn là bảo đảm an toàn công trình vào những thời điểm mưa lớn.
Còn tại hồ Xu Đăng, xã Đắk N’Drung, lòng hồ có nhiều bè mảng cỏ, bồi lấp phần lớn diện tích mặt thoáng. Đập đất, thân đập đều xuống cấp trầm trọng, biến dạng, thấm nước.
Còn mái thượng, hạ lưu công trình chưa được gia cố, sạt lở nghiêm trọng. Tràn xả lũ được xây dựng tạm thời, nay bị xói lở. Cửa vào, cửa ra của hồ cũng chưa được gia cố. Đường quản lý vận hành của hồ còn là đường đất, độ dốc cao, mùa mưa lầy lội, sạt lở, rất khó khăn cho việc quản lý, vận hành công trình.
Hồ Xu Đăng, xã Đắk N’Drung, xuống cấp trầm trọng |
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác và bảo vệ 28 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đắk Song. Các công trình đang phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho hơn 7.158 ha cây trồng các loại.
Qua kiểm tra, rà soát mới nhất, có 9/28 công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Các công trình không bảo đảm an toàn đã gây cho đơn vị một số khó khăn trong quản lý, vận hành, khai thác.
Hiện nay, Công ty đang tăng cường thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như tổ chức phát dọn tại các vị trí đầu mối, kênh mương; bảo dưỡng thiết bị cơ khí, máy đóng mở...
Công nhân quản lý công trình cũng thường xuyên nạo vét, trục vớt cỏ, rác trước cửa vào tràn xả lũ, rãnh thoát nước, mái hạ lưu đập, chủ động tích nước, xả nước cho phù hợp.
Quá trình tích nước, xả nước, đơn vị vận hành đều làm tốt việc thông báo đến chính quyền xã và các thôn, bon và người dân vùng chịu ảnh hưởng của công trình.
Đường vận hành hồ Xu Đăng rất khó đi lại |
Theo ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra hiện trạng các công trình.
Trong đó, công tác kiểm tra đặc biệt chú ý đến những biến động mực nước trong mùa mưa, bão, các công trình, hạng mục trọng điểm, nguy cơ mất an toàn cao.
Từ khâu kiểm tra, bộ phận chuyên môn sẽ kịp thời có nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý các tình huống, sự cố, bảo đảm an toàn công trình. Tuy nhiên, đây là những giải pháp mang tính tình thế.
Còn về lâu về dài, Công ty sẽ đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa những công trình cấp bách. Đặc biệt, cần ưu tiên việc sửa chữa, nâng cấp những công trình, hạng mục có thể nâng cao dung tích chứa, nâng cao hiệu quả tưới tiêu.