Ngày 9/6/2022, Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy và môi trường (Công an huyện Cư Jút) phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang 3 đối tượng, đều trú tại thôn 10, xã Tâm Thắng (Cư Jút), đang có hành vi mổ thịt những con heo đã chết, bốc mùi hôi thối.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 928 kg thịt heo thối. Các đối tượng khai nhận, họ thu gom heo chết từ 1 trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Đắk Wil (Cư Jút) rồi mang về mổ lấy thịt bán ra thị trường.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật, tiến hành các thủ tục xử lý vụ việc theo quy định. Vụ việc đã gây hoang mang trong cộng đồng thời gian qua.
Lực lượng chức năng bắt quả tang vụ mổ heo chết đã hôi thối tại Cư Jút. Ảnh: Minh Quỳnh |
Theo lãnh đạo UBND huyện Cư Jút, trên địa bàn có khoảng 60 điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ. Phần lớn các điểm giết mổ này không bảo đảm về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, dễ dẫn đến các vi phạm về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh.
Còn ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin, trên địa bàn chỉ có 2 điểm giết mổ động vật được cấp phép hoạt động (thuộc xã Quảng Sơn và Quảng Khê).
Còn 11 điểm giết mổ khác đều hoạt động chui, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y. Các điểm hoạt động chui này rất khó kiểm soát, nhất là khâu bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tại TP. Gia Nghĩa có 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được cấp phép hoạt động. Trong đó, số lượng heo được giết mổ tại đây vào khoảng 50 con/ngày.
Thế nhưng, trên địa bàn thành phố vẫn thường xuyên xuất hiện các điểm bày bán thịt động vật tự phát, không bảo đảm vệ sinh. Thịt động vật được bày bán theo dạng lưu động, dễ tiếp xúc, lây nhiễm với các yếu tố dịch bệnh.
Điều đáng nói hơn, thịt động vật bán lưu động chủ yếu xuất phát từ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tự phát, nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn vệ sinh, phòng bệnh.
Luật Thú y và Bộ NN - PTNT đã có các quy định, hướng dẫn các biện pháp quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Trong đó, các quy định đều nghiêm cấm những hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh, thú y.
Quy định cũng cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh.
Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe; các quy trình vệ sinh; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm...
Quy định là thế, nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ chưa bảo đảm kỹ thuật, nhất là các khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh.
Thịt động vật được bán dạo trên đường phố Gia Nghĩa |
Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh đang có hàng trăm cơ sở giết mổ động vật, nhưng chỉ có 16 cơ sở tập trung được cấp phép hoạt động.
Phần lớn các điểm giết mổ động vật nhỏ, lẻ đều không có giấy phép, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, xã. Qua thực tế, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hoạt động này. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện, lây lan dịch bệnh trên động vật.
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kiểm soát các điểm giết mổ động vật.
Trong đó, các huyện, thành phố xây dựng phương án triển khai kiểm soát giết mổ động vật theo đúng quy định của Luật Thú y. Các địa phương có giải pháp kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với quy hoạch.
Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra chặt các điểm giết mổ nhỏ lẻ, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định, không gây ô nhiễm môi trường.