Đổi mới trong tư duy
Bắc Giang là địa phương vùng Trung du-miền núi phía Bắc, theo đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, những năm qua, do tận dụng được lợi thế về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng thuận lợi, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 50.000 ha, trong đó có vùng sản xuất vải thiều tập trung, quy mô trên 28.000 ha, sản lượng 160.000 - 190.000 tấn/năm. “Doanh thu từ quả vải thiều năm 2020 đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 2.430 tỷ đồng so với năm 2015. Thu nhập từ cây ăn trái có múi đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng, cần thay đổi tư duy trong quản lý để đưa nông nghiệp phát triển |
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái, để có được kết quả này, Bắc Giang rút ra ba bài học, đó là: Cần làm tốt công tác quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; không ngừng đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp; lấy việc ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 làm giải pháp trung tâm.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá. Đảng bộ tỉnh cũng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Trước hết, ngoài cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, quy hoạch, mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh còn xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận nhấn mạnh: “Đẩy mạnh khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích các đối tượng, nhất là “nông dân thế hệ mới” xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh, từ đó nhân rộng trong Nhân dân”.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận, đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 185 triệu đồng/ha/năm và tăng 27,5% so với năm 2016. Toàn tỉnh có 62.200 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao…
Việt Nam vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á xuất khẩu nông, lâm, thủy sản “Ðến nay nông sản Việt Nam đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có những thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt 190,5 tỷ USD. Riêng năm 2020 đạt 21,25 tỷ USD… đưa Việt Nam vào nhóm thứ nhất Ðông Nam Á và thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 27/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bộ trưởng nêu rõ: “Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán. Và, đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát chất lượng, quy trình, giá thành”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề phát triển nông nghiệp quy mô lớn |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 5 năm tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung vào mục tiêu chính: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.
Để đạt được mục tiêu tổng quát trên, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, ngành, địa phương và người dân, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần thực hiện đồng bộ giải pháp về cơ cấu lại ngành; trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề hết sức hệ trọng: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.