Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023), Uruguay là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Đặc biệt, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương khá thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian qua hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng.
Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra cơ hội giúp đẩy mạnh kinh tế, thương mại và hợp tác cùng phát triển với các nước Mỹ Latinh; trong đó, có Uruguay.
Thị trường tiềm năng
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Uruguay đạt 190,5 triệu USD, tăng 106,5% so với năm 2021; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Uruguay đạt 102,9 triệu USD, tăng 76,7%, nhập khẩu của Việt Nam từ Uruguay đạt 87,6 triệu USD, tăng 157,2%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Uruguay gồm giày dép các loại, sản phẩm dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, điện thoại và linh kiện, sản phẩm mây tre, cói, thảm, sản phẩm từ thép, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm gốm, sứ, xơ, sợi dệt các loại.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Uruguay chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nguyên phụ liệu dệt may da, giày, dược phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa, hàng thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất.
Số liệu của phía Uruguay cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang nước này trong tháng 1/2023 đạt hơn 5,7 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu của Uruguay từ Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu USD, giảm 48,17%.
Với dân số chỉ hơn 3,4 triệu người, Uruguay có dung lượng thị trường tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Uruguay nằm trong nhóm trung bình cao khi đạt tới hơn 17.300 USD, cao hơn nhiều so với phần lớn các quốc gia khác trong khu vực.
Mức thu nhập bình quân đầu người cao, sự phát triển của ngành công nghiệp dịch vụ và thói quen mua sắm thường xuyên là những yếu tố thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 14/4, Việt Nam và Uruguay đã tổ chức thành công Kỳ họp lần III Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư.
Hai bên đã thống nhất nhiều giải pháp thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời đưa ra phương hướng triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại để hỗ trợ tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp hai nước.
Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức khi thâm nhập vào thị trường Uruguay, chủ yếu đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, chi phí logistics và bảo quản lớn, mức thuế suất nhập khẩu cao (đặc biệt với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày).
Bên cạnh đó, một số sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam gặp cạnh tranh tương đối cao tại thị trường Uruguay. Chẳng hạn như sản phẩm dệt may của Peru, sản phẩm da giày của Brazil và Argentina, sản phẩm nông sản của Mexico, Colombia, Brazil.
Tại Kỳ họp lần thứ III Ủy Ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Uruguay diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 14/4 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Uruguay Nicolás Albertoni nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các nội dung đã được thống nhất tại kỳ họp hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhận định về thị trường này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá Uruguay là thị trường tiềm năng và là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực. Hơn nữa, khi xét đến việc Uruguay là một trong những thành viên sáng lập của Khối Mercosur và có tiếng nói quan trọng trong khu vực Mỹ Latinh.
Về hợp tác thương mại, hai bên đánh giá quan hệ thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có giữa hai nước. Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ song phương và đa phương.
Bên cạnh đó, hai bên cần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, qua đó phục hồi thương mại song phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, hai bên đánh giá quan hệ thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ song phương và đa phương.
Ngoài ra, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối giao thương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Đối với hợp tác nông nghiệp, các bên hoan nghênh việc thiết lập các đầu mối liên hệ trực tiếp để tiếp tục trao đổi các vấn đề kỹ thuật trong quá trình cấp phép cho các sản phẩm nông sản tiềm năng vào thị trường của nhau.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung hợp tác mới đã được đề xuất như hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hải quan, khoa học công nghệ, phần mềm, khai thác và chế biến gỗ.
Tạo thế chủ động
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Uruguay, đại diện Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường và cập nhật chính sách kinh tế-thương mại-đầu tư của hai nước này thông qua các cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina kiêm nhiệm Uruguay và Paraguay, các Đại sứ quán Argentina và Uruguay tại Việt Nam và các trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Uruguay. (Nguồn: Bộ Công Thương)
Mặt khác, tích cực tham gia các hoạt động khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại-đầu tư, kết nối giao thương trực tiếp hoặc trực tuyến với các đối tác Uruguay để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, nâng cao tính cạnh tranh về giá thành, tìm cách giảm chi phí vận tải và logistics.
Mặt khác, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ về tập quán, văn hóa, đặc trưng, nhu cầu,... của thị trường trước khi định hướng và ra quyết định về việc phát triển xuất khẩu sang thị trường này. Có nhân lực am hiểu về thị trường và ngôn ngữ bản địa. Đồng thời, phản ánh kịp thời các vướng mắc phát sinh để các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ giải quyết.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Argentina kiêm nhiệm Uruguay và Paraguay sẽ là cầu nối để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các đối tác tại các thị trường này và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh của doanh nghiệp./.