Sáng 14/8, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân-thiện-mỹ.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Công tác giáo dục-đào tạo được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được đẩy mạnh thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 398.498/463.893 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 86%; có 1.869/2.199 thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 85%; có 78/151 xã được công nhận xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,65%; có 14/32 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 43,7%...
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. |
Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, buôn, cơ quan, trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng đời sống và sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hạn chế và xóa bỏ.
Văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được khuyến khích, nhất là trong công tác từ thiện, nhân đạo. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân tham gia.
Hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng được quan tâm đầu tư, có những khởi sắc mới; không khí hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; giá trị văn hóa mới đang được hình thành, dân chủ trên các lĩnh vực đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vững bản lĩnh chính trị trong hoạt động sáng tạo, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh về đời sống, lao động của nhân dân... Những di sản văn hóa truyền thống của tỉnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong trào phát triển sâu rộng, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy trong đời sống xã hội. |
Thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa khá đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; các di tích, di sản văn hóa được xây dựng, tôn tạo, phục hồi; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tăng cường. Hệ thống thông tin đại chúng được đầu tư phát triển, góp phần phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân...
Công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều di tích xuống cấp chưa được trùng tu, sửa chữa kịp thời.
Cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa thường xuyên.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đôi lúc còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều di tích xuống cấp chưa được trùng tu, sửa chữa kịp thời.
Văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát huy. |
Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều. Các trung tâm học tập cộng đồng, các điểm bưu điện văn hóa xã, các thiết chế văn hóa chưa phát huy được hiệu quả.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, thiếu bền vững, còn nặng bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở, công nhận gia đình văn hóa còn mang tính hình thức.
Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế; một số chính sách về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật còn thấp, thiếu tính động viên, khuyến khích.
Phong trào xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị. Chưa có nhiều tác phẩm có chất lượng đối với công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc và phản ảnh sinh động đời sống lao động của nhân dân trên địa bàn...
Văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. |
Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, sau 15 năm thực hiện, đến nay nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa và giá trị của việc tham gia bảo hiểm y tế không ngừng được nâng lên.
Chính sách bảo hiểm y tế đã đi vào đời sống xã hội, có những đóng góp quan trọng và thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, khẳng định sự đúng đắn và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến 31/12/2023 số người tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh là 1.735.486 người, đạt 104,57% kế hoạch, tăng 582.639 người so cùng kỳ năm 2009 và đạt tỷ lệ bao phủ 92,7% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao…
Các đại biểu thăm quan các tác phẩm ảnh nghệ thuật được trưng bày bên lề hội nghị. |
Tính đến 31/12/2023 số người tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh là 1.735.486 người, đạt 104,57% kế hoạch, tăng 582.639 người so cùng kỳ năm 2009 và đạt tỷ lệ bao phủ 92,7% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao…
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế đối với từng nhóm đối tượng đặc thù còn chưa cao.
Sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế của một số cơ quan, đơn vị liên quan chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được củng cố, nâng cao, song tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra, chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được đáp ứng yêu cầu của nhân dân, tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa vẫn tồn tại phổ biến, nhất là tuyến huyện và tuyến xã. Công tác phối hợp giữa ngành y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn vướng mắc do chưa có sự thống nhất các quy định giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh hằng năm tăng, đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao nhưng vẫn còn thấp so mặt bằng chung của cả nước, còn thiếu tính bền vững…
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. |
Trên cở sở những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chỉ thị số 38-CT/TW, hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận và thống nhất đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới cũng như nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của các sở, ngành, địa phương sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X), về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.
Đồng thời, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa hai chủ trương lớn này của Đảng, trong đó đối với Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cần quan tâm thực hiện tốt 3 vấn đề gồm: cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế ở các ngành, đơn vị, địa phương; Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em nên cần quan tâm phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và phát huy các thiết chế văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, dân sinh, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí H'Lim Niê, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. |
Nhân dịp này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho 8 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.