Chính trị

Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành

PV 26/05/2024 04:55

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Hầu hết, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương của Chính phủ.

ADQuảng cáo
Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.

Thay đổi tư duy, khó ở đâu tháo gỡ ở đó

Phát biểu về chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc đầu tư các tuyến cao tốc trước đây chưa làm nhiều do chưa thu xếp được vốn. Nhưng nay, chúng ta đang làm cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau.

Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng, tháo gỡ khó khăn dần và phải có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến tách phần giải phóng mặt bằng.

Trước những khó khăn trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy. Nếu trước vướng mặt bằng thì nay ta tách hẳn phần giải phóng mặt bằng sang một bên.

“Cứ có giải phóng mặt bằng xong, nỗ lực làm 3 ca 4 kíp, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm xuyên lễ, xuyên Tết, chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, cần tập trung nhất vào thể chế, chỉ cần tư tưởng thông, thay đổi suy nghĩ, khó ở đâu tháo gỡ ở đó là tốt nhất.

Thủ tướng cũng mong Quốc hội ủng hộ việc thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vì đây là con đường chiến lược giúp "tiến đến Tây Nguyên nhanh nhất". Trong triển khai dự án, Thủ tướng lưu ý công tác đấu thầu tránh tình trạng "quân xanh, quân đỏ" và hợp thức hóa sai phạm.

Dự án được đồng bào chờ đợi

Chia sẻ tại tổ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Đây là dự án đồng bào Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chờ đợi. Bộ Giao thông vận tải rất mừng khi được Chính phủ, Quốc hội quan tâm dành 50% kinh phí tổng mức đầu tư và 50% để kêu gọi doanh nghiệp. Nếu dự án thành thực hiện, đây sẽ là tuyến đường đẹp, chắc có hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế xã hội kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh”.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 25 nghìn tỷ đồng trong đó Nhà nước đầu tư 12.770 tỷ đồng, còn lại là nhà đầu tư trúng thầu sẽ bỏ 12.770 tỷ đồng. Vì đây là con số rất lớn nên rất nhiều đại biểu quan tâm về tính khả thi.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng khẳng định có thể yên tâm về việc thu hút đầu tư vì nhiều yếu tố. Trước hết, đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài - chỉ khoảng 18 năm, đã bảo đảm lãi suất ngân hàng, tỷ suất đầu tư và tương đồng với 3 dự án PPP (đối tác công tư) trên trục bắc-nam phía đông đã hoàn thành và sắp tới sẽ thu phí.

Trước đây, khi không có phần vốn nhà nước tham gia, các dự án BOT có thời gian thu phí dài khoảng 30 năm, dự án nào thật tốt thì trên 25 năm. Còn với dự án này, thời gian thu phí khoảng 18 năm nên nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên về BOT rất thích.

Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành ảnh 2
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp tổ.

Một điểm khác, Bộ trưởng cho biết với cơ chế nhà nước tham gia, nhà nước về cơ bản không có rủi ro. Khi Quốc hội chính thức phê duyệt Luật đường bộ, cho phép thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đồng nghĩa với dự án này, cả Nhà nước và nhà đầu tư cùng thu phí.

“Chúng ta hoàn toàn có thể ưu tiên cho nhà đầu tư thu trước, Nhà nước thu sau nên rủi ro tài chính với doanh nghiệp là gần như không có”, Bộ trưởng khẳng định và tiết lộ trên thực tế đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đối với dự án này.

Phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương

Trả lời thắc mắc về việc cử tri lo ngại khu dân cư địa phương có thể bị chia rẽ, ngăn cách sinh hoạt của người dân khi làm cao tốc, Bộ trưởng khẳng định: “Khi xây dựng cao tốc, Bộ luôn thực hiện đầy đủ, lấy ý kiến kỹ càng xuống tận phường xã, tổ dân phố”.

Sở dĩ, trước đây có một số tuyến phải bổ sung đường gom, đường dân sinh vì trong thời gian dịch, khi lấy ý kiến cộng đồng về dự án, nhiều khi địa phương không quan tâm, bản thân người dân cũng không để ý mà phụ thuộc vào bên tư vấn, thiết kế, khảo sát.

Khi phê duyệt xong, bắt đầu triển khai thực hiện, người dân mới thấy bất tiện và xảy ra tình trạng một số địa phương muốn bổ sung đường gom, đường dân sinh, cầu vượt, có nơi muốn bổ sung tới 50%.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, ở dự án này, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp rất chặt với địa phương, bản thân chính quyền địa phương từ cấp xã huyện phải vào cuộc, khu vực nào làm đường gom, dân sinh đều được xử lý.

Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành ảnh 3
Toàn cảnh phiên họp.

Về những lo ngại có hai dự án BOT song hành cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa có thể bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Thắng cho biết trong tờ trình, chính phủ đã nêu cụ thể.

Thực tế, khi triển khai các dự án cao tốc bắc-nam phía đông, rất nhiều dự án BOT trước đây bị ảnh hưởng do bị chia sẻ lưu lượng.

Về biện pháp tổng thể, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ để trình Bộ Chính trị về Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông. Hiện Bộ đã hoàn tất các nội dung trong ngày hôm qua để trình Ban cán sự đảng Chính phủ. Khi thông qua sẽ sau đó trình Bộ chính trị và đưa ra tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội quyết định.

Trả lời ý kiến của đại biểu về trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết: “Trước đây, khi triển khai cao tốc bắc-nam giai đoạn 1, chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều trong xây dựng cao tốc, đồng thời chưa quyết định xã hội hoá hay nhà nước đầu tư trạm dừng nghỉ. Đến cuối giai đoạn 2022, ngay khi nhìn thấy vấn đề, Bộ Giao thông vận tải làm rất nhanh, xây dựng khung pháp lý đi theo hướng xã hội hóa”.

Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành ảnh 4
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự kiến, toàn bộ khu vực cao tốc bắc-nam phía đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ.

Đến nay, Bộ này đã quy hoạch mạng lưới trạm, ban hành quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc trong đó có trạm dừng nghỉ và thông tư quy định đầy đủ trạm gồm những gì, đặc biệt dành diện tích xây dựng trạm sạc ở trạm dừng nghỉ tương đương với thế giới.

“Nước ngoài có gì, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có gì, chúng ta có đầy đủ. Tôi đã chỉ đạo rất kỹ vấn đề này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự kiến, toàn bộ khu vực cao tốc bắc-nam phía đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ. Từ nay đến cuối 2025, toàn bộ các tuyến cao tốc, khi đi vào khánh thành và cả những trạm dừng nghỉ của tuyến cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đầy đủ đồng bộ trạm dừng nghỉ. Với các tuyến mới, khi đã có quy chuẩn, pháp lý đầy đủ, việc xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ rất đơn giản.

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết: “Trước mắt, các dự án xây dựng trạm dừng nghỉ nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Khi đấu thầu thử, có trạm thu hút 40 đơn vị tham gia. Có một trạm định giá khởi điểm khoảng 120 tỷ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỷ đồng. Đó cũng sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước”.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhat-tri-cao-voi-chu-truong-xay-dung-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-post811151.html?zarsrc=31
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất trí cao với chủ trương xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO