Nhật Bản: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng ở giới trẻ tiệm cận 0%

THIÊN MINH| 23/08/2023 10:16

Số liệu này vừa được TS, BS Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch hàng đầu Nhật Bản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI chia sẻ trong tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới” do báo VietnamPlus tổ chức.

Nhật Bản: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng ở giới trẻ tiệm cận 0%

Thuốc lá làm nóng: Giới trẻ không dùng

Chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá ở Nhật Bản, TS Hiroya Kumamaru cho biết, khoảng 1 trong 3 người hút thuốc lá điếu đã chuyển đổi sang thuốc lá làm nóng, theo khảo sát năm 2019 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Theo đó, kể từ khi thuốc lá làm nóng được cung cấp hợp pháp năm 2014, đã có số liệu ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu giảm nhanh gấp 5 lần mà không có bất kỳ sự can thiệp nào về chính sách tăng thuế từ chính phủ từ năm 2017 đến nay. Điều này đã đưa Nhật Bản từ một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao nhất toàn cầu trở thành quốc gia đạt được 44% tỷ lệ cai thuốc lá điếu, cao hơn mục tiêu của WHO đặt ra là 30%.

Trong khi doanh số thuốc lá điếu tại quốc gia này giảm mạnh từ sau khi thuốc lá làm nóng ra mắt, cũng có lo ngại đặt ra liệu có tình trạng giới trẻ bắt đầu sử dụng các sản phẩm này hay không. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2020, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng trong giới trẻ vẫn ở mức rất thấp sau 6 năm sản phẩm có mặt.

TS Kumamaru cho biết, Bộ Y tế Nhật Bản đã tài trợ nhóm chuyên gia y tế thực hiện một khảo sát trên hơn 60.000 học sinh THPT và THCS từ năm 2018 và công bố kết quả vào năm 2021. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng dù được bán hợp pháp và sử dụng phổ biến ở Nhật, nhưng chỉ 0,1% học sinh sử dụng.

TS Kumamaru cũng lý giải vì sao tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ tại Nhật lại cực kỳ thấp. Theo ông, không có sự phân biệt về quan điểm trong việc quản lý thuốc lá điếu hay thuốc lá làm nóng của chính phủ đối với người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi thì không được sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Nếu giáo viên ở các trường trung học phát hiện bất kỳ học sinh nào hút thuốc, dù là thuốc lá điếu hoặc thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, họ đều sẽ phạt nặng học sinh đó, thậm chí buộc thôi học.

Cần lực lượng chuyên trách xử phạt giới trẻ hút thuốc lá

Tại tọa đàm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 đã có những quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận, sử dụng thuốc lá. Đối với đối tượng dưới 18 tuổi, Luật đã nêu rõ các hành vi bị cấm và khung xử phạt đi kèm. Ông Hải khẳng định hệ thống luật của Việt Nam là không thiếu, cái thiếu là khâu thực thi, áp dụng vào đời sống. Ông Hải đặt ra vấn đề đang còn bỏ ngỏ đó là luật đã có nhưng đâu sẽ là cơ quan kiểm soát và xử phạt người dưới 18 tuổi hút thuốc, cũng như giao dịch mua bán thuốc lá với người chưa đủ tuổi. Chính vì vậy theo ông Hải, cần có lực lượng chức năng chuyên trách, giám sát.

Đồng tình với ý kiến ông Hải, ThS, BS Lê Đình Phương, Trưởng Khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV khẳng định, đối với thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, hệ thống pháp luật càng siết chặt việc sử dụng thuốc lá càng tốt. Do vậy, BS Phương ủng hộ việc cấm hoàn toàn, triệt để mọi khả năng để trẻ dưới 18 tuổi tiếp cận thuốc lá.

Tuy nhiên, về mặt lâm sàng, đối với bệnh nhân hoặc những người hút thuốc trưởng thành, BS Phương cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới nào đã có bằng chứng khoa học về khả năng giảm tác hại thì nên được cung cấp cho họ như là một giải pháp thay thế cho thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá mới này không phải là lời mời mọc giới trẻ "hút đi", mà là giải pháp để giúp những người đang hút thuốc giảm tác hại và tiến tới mục tiêu sau cùng là cai thuốc hoàn toàn, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào thuốc lá điếu.

Các nghiên cứu minh chứng hiệu quả của việc đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý tại Nhật Bản cũng được TS Kumamaru chia sẻ. Theo ông, việc hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng được ghi nhận là thành công của Nhật Bản trong việc giảm gánh nặng điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc, cũng như giúp đẩy nhanh tiến trình giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại quốc gia này.

Nhấn mạnh thêm về những cập nhật khoa học gần đây nhất, BS Lê Đình Phương cho biết: "Có sự khác biệt giữa WHO và một số tổ chức chính phủ, một số tổ chức nghiên cứu. Là một người làm nghiên cứu lâm sàng cũng như dựa trên các bằng chứng hiện hữu, tôi nhận ra vô số nghiên cứu cho thấy khả năng giảm thiểu tác hại của thuốc lá làm nóng".

Theo BS Phương, nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Tim mạch Mỹ công bố chính thức trên tạp chí y học JAMA bao gồm 4 điểm, đó là thuốc lá không khói không liên quan đến tỷ lệ tăng huyết áp, không làm tăng tỷ lệ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và có tăng nhẹ tỷ lệ tiểu đường… Do đó, ông không ngạc nhiên khi Bộ Y tế của một số quốc gia như New Zealand, Anh, Nhật, Hà Lan, Ba Lan... cho phép lưu hành thuốc lá làm nóng như một biện pháp giảm tác hại.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhat-ban-ty-le-su-dung-thuoc-la-lam-nong-o-gioi-tre-tiem-can-0-post768728.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nhat-ban-ty-le-su-dung-thuoc-la-lam-nong-o-gioi-tre-tiem-can-0-post768728.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhật Bản: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng ở giới trẻ tiệm cận 0%
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO