Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết hơn 18.700 người ở nước này mắc chứng mất trí nhớ hoặc nghi ngờ mắc chứng mất trí nhớ đã được thông báo mất tích trong năm 2022.
NPA cho biết số trường hợp mất tích được báo cáo đã không ngừng tăng lên trong những năm qua kể từ khi có số liệu thống kê so sánh vào năm 2012. Con số này đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ, lên tới 18.709 người vào năm 2022.
Nhiều người trong số đó đã được báo cáo là mất tích sau khi họ lang thang không mục đích vì chứng mất trí nhớ.
Tỉnh Hyogo ở phía Tây Nhật Bản ghi nhận nhiều trường hợp mất tích nhất với 2.115 người. Tiếp theo là hai tỉnh Osaka và Saitama, đều gần Tokyo, lần lượt là 1.996 và 1.902 người.
Trong tổng số được thống kê nói trên, số người được tìm thấy còn sống là 17.923, trong khi 491 người được tìm thấy khi đã chết, bao gồm bị tai nạn.
Xét tổng thể, năm 2022 ghi nhận tổng số người mất tích ở Nhật Bản là 84.910, tăng 5.692 so với năm 2021. Trong đó, số người mất tích ở độ tuổi 20 chiếm nhiều nhất với 16.848 người. Số người mất tích ở độ tuổi 80 và cao tuổi hơn là 13.749 người.
Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số gia tăng nhanh chóng ở Nhật Bản, cảnh sát nước này đang nỗ lực triển khai các biện pháp để có thể tìm kiếm người mất tích một cách nhanh hơn.
Cơ quan này cho biết họ sẽ tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương để tìm kiếm những người mất tích càng sớm càng tốt.
Một số chính quyền địa phương đang yêu cầu người thân của những người mắc chứng mất trí nhớ hoặc nghi ngờ mắc chứng mất trí nhớ yêu cầu họ mang theo thiết bị GPS hoặc đính kèm trên quần áo những miếng vá nhỏ có mã QR in thông tin liên hệ.
Theo báo cáo, trong bối cảnh Nhật Bản vật lộn với những thách thức do dân số già hóa gây ra, những nỗ lực phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật, cộng đồng và tổ chức là rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và hạnh phúc của những người mắc chứng sa sút trí tuệ và người thân của họ.
Năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách quốc gia đầu tiên về chứng mất trí nhớ, và kể từ đó, chính phủ đã rất khó khăn để xây dựng một khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng tốt hơn cho những người mắc chứng bệnh này.
Một kết quả chính là sự tập trung ngày càng tăng vào việc giúp đỡ những người bị sa sút trí tuệ “khi về già” - thay vì gửi họ vào viện dưỡng lão - với hy vọng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở chăm sóc đang quá tải.
Tuy nhiên dịch vụ chăm sóc người bị sa sút trí tuệ tại nhà có thể là nguyên nhân chính gây lo lắng cho những người chăm sóc và những người bị suy giảm nhận thức.
Mặc dù nhiều địa phương ở Nhật Bản cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người lớn, nhưng nó có thể tốn kém và để lại khoảng trống trong giám sát đối với những người hay đi lang thang.
Các chính sách quốc gia và thông điệp về hỗ trợ những người bị sa sút trí tuệ thường mâu thuẫn với kỳ vọng của xã hội và hành vi của chính quyền địa phương.
Các gia đình đôi khi giấu giếm những người bị sa sút trí tuệ vì sợ rằng những hành vi thất thường có thể thu hút sự kỳ thị của xã hội hoặc gây bất tiện cho cộng đồng.
Đối với những người nhiều lần đi lang thang, cảnh sát có thể gây áp lực buộc gia đình phải giữ họ trong nhà hoặc theo dõi chặt chẽ hành động của họ.
Theo ước tính của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cứ 5 người thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên ở nước này, tương đương khoảng 7 triệu người, được dự đoán sẽ mắc chứng mất trí nhớ vào năm 2025.
Điều này sẽ đặt ra sức ép đối với xã hội và hệ thống y tế, nhất là khi chế độ bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng ở Nhật Bản đã và đang thu hẹp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc đối với những người cần tương đối ít hơn dịch vụ điều dưỡng.
Sự thay đổi này đang ảnh hưởng đến những người bị sa sút trí tuệ, mất trí nhớ.
Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số kéo dài ở Nhật Bản đang dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng điều dưỡng viên và y tá làm việc tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc người cao tuổi./.