Một nhân viên chính quyền ở Nhật Bản sử dụng ChatGPT trong công tác hành chính. (Nguồn: Kyodo)
Ngày 13/6, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike thông báo từ tháng 8 tới, chính quyền thành phố sẽ bắt đầu sử dụng công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT để soạn thảo các văn bản và thực hiện các công việc văn thư khác tại tất cả các văn phòng của Tòa thị chính.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thành phố, bà Koike nêu rõ ChatGPT sẽ được sự dụng để thực hiện nhiều công việc bao gồm soạn thảo tài liệu ở dạng câu hỏi và trả lời, thu thập ý kiến đóng góp của nhân viên về các ứng dụng thực tế khác của công cụ AI tạo sinh.
Bà Koike tin rằng ChatGPT có khả năng thay đổi đáng kể cách quản lý hành chính công và chính quyền có thể quản lý thành phố tốt hơn bằng cách đánh giá các khía cạnh tích cực và tiêu cực của dịch vụ AI.
Theo giới chức thành phố Tokyo, để giảm thiểu những mối lo ngại như rò rỉ thông tin mật, chính quyền thành phố đã thành lập một nhóm dự án để kiểm tra tính hiệu quả của ChatGPT và soạn thảo các hướng dẫn sử dụng.
Tuần trước, thành phố Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa, phía Nam Tokyo, đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên tại Nhật Bản bắt đầu sử dụng chatbot này.
Chính quyền thành phố Yokosuka đưa ra quyết định trên sau khi kết quả thử nghiệm một tháng từ tháng 4 vừa qua cho thấy chatbot đã cải thiện tính hiệu quả công việc đối với những nhiệm vụ như soạn thảo văn bản.
Chatbot là các ứng dụng phần mềm được đào tạo bằng cách sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ Internet, cho phép chúng xử lý và mô phỏng các cuộc trò chuyện giống như con người với người dùng.
Chatbot đưa ra câu trả lời dựa trên các hướng dẫn và câu hỏi của người dùng./.