Các nhà hàng vắng khách trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Tokyo, Nhật Bản ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo kết quả khảo sát năm 2021 của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 22/8, chênh lệch thu nhập giữa các hộ gia đình nước này đã tiệm cận mức kỷ lục của năm 2014.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết hệ số Gini (hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) đã tăng lên 0,57 điểm, tăng thêm 0,0106 điểm so với mức được ghi nhận vào năm 2017. Năm 2014, hệ số Gini đã lên mức cao kỷ lục là 0,5704.
Hệ số Gini bằng 0 đồng nghĩa với việc thu nhập được phân phối công bằng tuyệt đối, trong khi bằng 1 phản ánh tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở mức cao nhất, khi toàn bộ thu nhập trong xã hội thuộc về một nhóm dân số.
Các nhà khoa học xem hệ số bằng 0,4 là mức nguy hiểm, khi bất bình đẳng thu nhập có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Theo khảo sát về thu nhập năm 2020, thời điểm Nhật Bản lần đầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19, thu nhập trung bình hằng năm trước thuế và trợ cấp an sinh xã hội của toàn bộ các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm 1,4% so với cuộc khảo sát năm 2017 xuống 4,23 triệu yen (29.000 USD).
Tuy nhiên, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi lưu ý rằng các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, cùng với các biện pháp khác trong đại dịch COVID-19, đã giúp chênh lệch thu nhập không tăng lên so với khảo sát trước đó.
Kể từ năm 1962, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu thu nhập hộ gia đình 3 năm 1 lần. Tuy nhiên, lần nghiên cứu năm nay chậm hơn 1 năm so với thường lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh./.