Ngày 5/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật nhằm mở rộng độ tuổi trẻ em nhận trợ cấp hằng tháng và thời gian nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ, trong nỗ lực giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm ở nước này thông qua việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng hơn.
Theo luật mới, Chính phủ Nhật Bản sẽ thiết lập một chương trình tài trợ mới cho việc hỗ trợ nuôi dạy trẻ em trong năm tài chính 2026 với mức phí bảo hiểm y tế hằng tháng cao hơn.
Độ tuổi trẻ em được nhận trợ cấp sẽ mở rộng từ tối đa 15 tuổi đến 18 tuổi, đồng thời sẽ bãi bỏ giới hạn thu nhập của cha mẹ và người giám hộ. Trợ cấp hằng tháng hiện tại cho con thứ ba trở lên sẽ được tăng gấp đôi lên 30.000 yen (khoảng 193 USD).
Ngoài ra, cha mẹ nghỉ phép chăm sóc con sẽ được tăng phúc lợi, đồng thời các dịch vụ trông trẻ ban ngày sẽ được mở rộng. Luật mới cũng hợp pháp hóa hỗ trợ công cộng cho trẻ em thường xuyên chăm sóc các thành viên trong gia đình.
Luật được ban hành trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida xác định giai đoạn đến năm 2030 là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng số trẻ sinh ra tại Nhật Bản đang ở mức thấp kỷ lục trong khi xã hội già hóa nhanh. Kết hôn muộn và lo ngại về tài chính thường được nêu ra là lý do khiến tỷ lệ sinh giảm.
Nhà nước Nhật Bản dự kiến thu 600 tỷ yen (khoảng 4 tỷ USD) trong năm tài chính 2026 theo chương trình mới và sau đó tăng lên 1.000 tỷ yen vào năm tài chính 2028. Số tiền cá nhân phải nộp khác nhau, phụ thuộc vào thu nhập và bảo hiểm y tế công của họ. Chính phủ ước tính số tiền mỗi người phải chi thêm hằng tháng từ 50 yen đến 1.650 yen.
Việc triển khai "Quỹ hỗ trợ trẻ em" mới dựa trên quan điểm rằng cần chia sẻ chi phí rộng rãi và công bằng hơn để giải quyết thách thức chung là tăng tỷ lệ sinh.
Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản hồi tháng Hai vừa qua, số trẻ sơ sinh ở nước này tiếp tục giảm, năm ngoái ở mức thấp kỷ lục 758.631 trẻ, giảm 5,1% so với năm trước đó. Con số hằng năm duy trì mức dưới 800.000 kể từ năm 2022.