"Nhân sự AI" trong tòa soạn báo
Với sự bùng nổ về thông tin như hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung trên các nền tảng khác nhau. Vậy những “nhân sự AI” trong các tòa soạn đã và đang “làm việc” như thế nào?
Với sự bùng nổ về thông tin như hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung trên các nền tảng khác nhau. Vậy những “nhân sự AI” trong các tòa soạn đã và đang “làm việc” như thế nào?
Công chúng đam mê âm nhạc Việt Nam hẳn không thể quên sự kiện nhạc sĩ saxophone Kenny G biểu diễn tại Hà Nội trong đêm cảm xúc “Kenny G Live In Vietnam” vào tháng 11/2023.
Nhà báo Thi Uyên (báo Nhân dân), thành viên nhóm tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Kenny G cho biết: “Báo Nhân dân có buổi phỏng vấn độc quyền với Kenny G trong vòng 40 phút. Tôi được giao đề bài là hôm sau phải có bài và dưới dạng E-megazine. Tôi đã sử dụng AI để gỡ băng từ tiếng Anh dịch sang tiếng Việt. Phần dịch sang tiếng Việt tôi phải chau chuốt lại hoàn toàn vì AI với tiếng Việt chưa thành thục như tiếng Anh. Thời gian để làm phụ đề cho video chỉ mất 1, 2 phút. Cả sản phẩm này, nếu bình thường phải mất 8 giờ nhưng ứng dụng AI trong các công đoạn tôi chỉ mất 3 tiếng để hoàn thiện”.
“Hiệu quả của sản phẩm này là nhân vật tốt, lên bài nhanh và trình bày đẹp. Không thể phủ nhận làm nên những hiệu quả đó là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của AI”, nhà báo Thi Uyên chia sẻ.
Nhà báo Thi Uyên cho biết: Theo Dự báo xu hướng báo chí, công nghệ, truyền thông năm 2024 của Viện Báo chí Reuters, hiện AI đang được sử dụng trong báo chí với 8 mục đích chính: Tóm tắt bài viết; Tạo tiêu đề; Biên dịch; Tạo hình ảnh; Tạo bài viết; Người dẫn chương trình ảo; Tạo kênh truyền hình.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) được biết đến là kênh hình tiên phong trong ứng dụng AI trong sản phẩm truyền hình. Phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” dài 4 phút của HTV đã tạo cú hích trong làng báo trước những vấn đề ChatGPT và AI đặt ra thời điểm đầu năm 2023.
Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng bộ phận nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, đến nay bộ phận Nội dung số của HTV đã AI hóa thành công. Điều rõ nhất khi các phóng viên thực hiện sản phẩm thông tin khi ứng dụng AI chính là tiết kiệm thời gian.
Video clip nhà báo Ngô Trần Thịnh trao đổi về thực hiện sản phẩm thông tin có sử dung AI:
Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết: “Với phóng sự, phần kịch bản bình thường mất 1 ngày nhưng với sự hỗ trợ của AI chỉ mất 2 tiếng. AI cũng đưa ra kịch bản hình ảnh và đưa ra mối quan hệ phóng viên, biên tập và quay phim. Trước đây, công đoạn này cần 3 tiếng, nay mất 30 phút. Riêng phần quay phim là AI không thay thế được con người. Như vậy AI đã rút ngắn phần tiền kỳ 60% so với trước”.
Tuy nhiên, Nhà báo Ngô Trần Thịnh cũng khẳng định: “AI dù có tuyệt vời đến đâu cũng chỉ có thể đưa một kịch bản tuyệt vời nhưng thành tác phẩm lại cần phóng viên đi quay, người dẫn chương trình đi phỏng vấn. Không có “Made by AI” trong truyền hình”.
Đến nay, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và hình thức theo hướng thông minh hơn.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động cho biết: “Từ đầu năm 2024, Báo Người lao động (cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành đợt cải tiến mạnh mẽ báo in và báo điện tử. Điểm khác biệt của lần cải tiến này là ứng dụng AI vào sản xuất nội dung, nhằm tăng tiện ích cho người dùng. AI đã cải thiện các vấn đề về trải nghiệm đọc, tăng tương tác, thu hút bạn đọc trẻ; tối ưu lại thiết kế và trải nghiệm đọc trên phiên bản mobile. AI còn giúp Báo Người lao động điện tử đa dạng hóa cách trình bày, giúp tạo ra các nội dung dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và hấp dẫn hơn đối với bạn đọc”.
Chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” (chuyên mục báo chí đặc biệt, có thu phí trên Báo Người lao động điện tử) cũng được ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, bổ sung thêm nhiều tính năng để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Ví dụ, bạn đọc có thể mua tin-bài để tặng người thân, bạn bè; tự động “gia hạn gói đọc báo” để bạn đọc thuận tiện mua gói mới khi gói đang dùng sắp hết hạn; thống kê, theo dõi các tài khoản trả phí đọc báo để có chính sách chăm sóc phù hợp.
Nhà báo Tô Đình Tuân cho biết: “Báo Người lao động xây dựng phong trào học tập tại báo với mục tiêu là tạo ra môi trường để có thường xuyên 40% – 60% đội ngũ nhân sự Báo Người lao động tham gia học tập về ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số phù hợp theo hoạt động của báo cũng như công việc chuyên môn của cá nhân. Chúng tôi đã phối hợp với một đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông mở khóa đào tạo “Ứng dụng AI trong sản xuất tác phẩm báo chí số”, trong thời gian 21 ngày cho hơn 100 phóng viên, Biên tập viên, Thư ký tòa soạn nhằm giúp anh em xây dựng thói quen cũng như những kỹ năng sử dụng các công cụ AI (ChatGPT, ChatPDF, Gemini, Claude, Canva…) một cách thông minh nhất vào công việc chuyên môn.
“Sau khóa đào tạo, đã có nhiều phóng viên, biên tập viên có khả năng sử dụng AI tạo ra các bản tin Podcast với kịch bản đa dạng, có tương tác; có khả năng sử dụng AI tạo ra các video, clip ngắn, các bản tin Infographic và các bản tin video với Virtual MC... Hiện tại, chúng tôi đã khai giảng và đang đào tạo tiếp khóa nâng cao về ứng dụng AI trong công tác tòa soạn cũng như sản xuất nội dung”, Nhà báo Tô Đình Tuân nói.
Là tờ báo địa phương, báo Đắk Nông là tòa soạn có sự đổi mới khi sử dụng AI như một công cụ đắc lực.
Nhà báo Vũ Ngọc Tú, Tổng Biên tập báo Đắk Nông cho biết: “Sau khi Đảng ủy Báo Đắk Nông ra nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm báo chí, chúng tôi tiến hành từng nhóm ứng dụng với công cụ AI”.
Nhóm đầu tiên là liên quan đến text. Một phần ứng dụng này tích hợp hệ thống quản trị nội dung để soát lỗi, gợi ý SEO, gợi ý đặt tít tin, bài. Chúng tôi đang chuẩn bị để AI giúp ứng dụng tóm tắt văn bản…; Nhóm ứng dụng khác liên quan video, audio… để giúp gỡ băng, làm báo nói trên báo điện tử, thực hiện các tin video do MC ảo đọc, lên hình; Một nhóm ứng dụng nữa làm đồ họa, biểu đồ, tạo hình ảnh minh họa.
Một nhóm ứng dụng khác, không dễ nhận thấy trên mặt báo là các ứng dụng liên quan thu thập thông tin bạn đọc, thu thập thông tin liên quan đến nội dung, chủ đề, xu hướng… Nhóm này giúp tòa soạn đánh giá khách quan về hiệu quả của các sản phẩm báo chí, giúp tổ chức các tin, bài sát hơn với đời sống và bạn đọc.
Nhà báo Vũ Ngọc Tú cho rằng, công nghệ, trong đó có AI, giúp cơ quan báo chí có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại. Những tòa soạn, dù nhỏ, nguồn lực về con người, tài chính eo hẹp, nếu mạnh dạn ứng dụng sẽ có điều kiện để vươn lên, tạo thêm những giá trị cho chính những công việc của mình.
Để cả tòa soạn cùng “bơi” được, tại báo Đắk Nông, Ban biên tập lo các công việc sắp xếp, tổ chức, bố trí nguồn lực. Viên chức lo học tập trau dồi thêm về công nghệ và ứng dụng vào các sản phẩm báo chí. Tòa soạn tăng cường cử nhân sự đi học về ứng dụng AI, và mời những nhà báo có kinh nghiệm về ứng dụng Ai về tập huấn cho toàn thể cơ quan.
“Nguyên tắc, quy tắc ứng xử quan trọng nhất là con người vẫn phải chịu trách nhiệm 100% về sản phẩm báo chí của mình. Các tin bài, sản phẩm có ứng dụng AI hỗ trợ trong quá trình xử lý thông tin… vẫn phải thông qua quy trình biên tập, quản trị nội dung tương tự như tin, bài, sản phẩm khác”, Nhà báo Vũ Ngọc Tú cho biết.
Nhà báo Tô Đình Tuân cũng khẳng định: “AI chỉ là công cụ hỗ trợ nhà báo trong quá trình xử lý tài liệu, sản xuất tin, bài; hỗ trợ tòa soạn trong quản trị, thu thập dữ liệu người dùng và phân tích, nhận diện bạn đọc mình là ai. Bởi vậy, từng nhà báo, từng tòa soạn phải luôn vận động, học hỏi, cập nhập những tiến bộ của AI để tạo dựng cho mình kỹ năng sử dụng AI một cách thông minh nhất; không để AI dẫn dắt mà hãy biến nó thành một thư ký ảo đắc lực nhất”.
Bài: Lê Vân - XC
Trình bày: Nguyễn Hà