Nhận diện và đấu tranh các thủ đoạn chống phá trên không gian mạng
Trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, việc giúp người nhận diện rõ thủ đoạn và có cách thức đấu tranh phù hợp trong cuộc chiến “không khói súng” này có vai trò rất quan trọng.
Nhận diện rõ thủ đoạn chống phá
Qua thống kê của cơ quan chức năng và tình hình thực tiễn trên không gian mạng cho thấy, chúng ta có thể nhận diện rõ thủ đoạn của các đối tượng phản động, thù địch sử dụng. Trước hết, thông qua internet và mạng xã hội, bọn phản động đã thiết lập hàng ngàn trang website, blog, tài khoản facebook, trang fanpage…, mà hầu hết máy chủ đặt ở nước ngoài để từ đó tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, phát tán với tần suất và số lượng lớn các tin, bài bình luận, video clip có nội dung xấu, độc. Tiếp đến, bọn chúng đăng tải tài liệu, thông tin, bình luận hướng dư luận nhìn nhận theo quan điểm sai lệch; dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, pha trộn thông tin thật-giả, xuyên tạc tình hình chính trị trong nước.
Bọn phản động khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền với thể chế xã hội chủ nghĩa nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bọn chúng đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết của quốc gia, dân tộc với quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc đứng lên đòi quyền “tự quyết”, “tự quản”, “ly khai”, đòi thành lập nhà nước riêng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bọn chúng triệt để lợi dụng những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương để khoét sâu các mâu thuẫn, tâm lý dồn nén, bức xúc của người dân tộc thiểu số để kích động họ biểu tình, bạo loạn, khủng bố chống chính quyền.
Bọn phản động đã lợi dụng lợi ích cá nhân của một bộ phận người dân trong giải quyết vấn đề đất đai, các vụ án kinh tế… để kích động lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động gây rối, mất an ninh chính trị trên mạng xã hội, từ đó lan truyền, hiện thực hóa trên thực địa... Sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng; trước khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, phát tán ồ ạt những tin bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, hướng lái dư luận thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách”.
Nguy hiểm hơn, chúng lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, nhân vật nổi tiếng qua đó cắt, ghép đăng tải thông tin sai sự thật, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, mất lòng tin của quần chúng Nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục ngàn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó có tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội youtube, blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động).
Xây dựng mỗi người dân là một chiến sĩ
Trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, mỗi người dân được ví như một chiến sĩ trong bảo đảm an ninh mạng.
Điều đáng mừng là trong thời gian qua, trước những quan điểm, sai trái, thù địch lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng, nhiều người dân đã sử dụng các trang mạng xã hội của mình để đấu tranh trực diện, phản bác một cách mạnh mẽ, không khoan nhượng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cụ thể, nhiều người đã bình luận thể hiện quan điểm, lập trường, nhất là định hướng dư luận hướng đến những thông tin chính xác, đúng sự thật để người thân, cộng đồng mạng biết, tránh xảy ra tình trạng a dua, cổ súy, hiệu ứng đám đông. Đông đảo người dân đã tích cực tuyên truyền, chia sẻ những thông tin đúng đắn, chính xác về bản chất cách mạng khoa học, nội dung cơ bản và giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thông tin đúng đắn về các vụ việc được quan tâm để không bị kẻ xấu xuyên tạc, thổi phồng.
Từ những hành động đấu tranh đơn lẻ ban đầu của một số cá nhân, sau một thời gian với sự định hướng của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan chức năng, sự nhận thức đúng đắn của mỗi người, cuộc đấu tranh trên không gian mạng đã huy động được sự tham gia của đông đảo người dân từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Một cộng đồng tự nguyện đã liên kết lại với nhau để tạo nên một phong trào đấu tranh tự giác, chủ động, tích cực với mức độ lan tỏa rộng lớn, mạnh mẽ, hiệu quả, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Rất nhiều các kênh thông tin bẩn, xấu độc lan truyền các quan điểm sai trái, thù địch trước sự phản bác tấn công mạnh mẽ của nhân dân đã bị vạch trần, buộc phải giảm bớt tần suất cũng như mật độ xuyên tạc, chống phá. Nhiều đối tượng phản động chống phá bị vạch mặt, chỉ tên đã buộc phải im hơi lặng tiếng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng một số người dân vì thiếu hiểu biết hoặc nhẹ dạ, cả tin, trong đó có không ít thuộc giới trẻ do chưa có đủ trải nghiệm, kinh nghiệm và nhận thức đúng đắn về nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên dễ tin theo những luận điệu sai trái, thù địch. Từ đây, họ vô tình tham gia phổ biến, lan truyền những quan điểm xấu độc để rồi không lường hết hậu quả. Do vậy, để phát huy tốt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tính chủ động, sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, theo các chuyên gia, chúng ta cần triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp.
Giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, vai trò cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc khai thác, sử dụng internet và mạng xã hội. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu nêu gương trong việc khai thác, sử dụng internet và mạng xã hội. Trong đó, việc phát huy tính hiệu quả, thiết thực việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền tải, nhân rộng những yếu tố tích cực, tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái của quốc gia, dân tộc có vai trò rất quan trọng.