Y tế - Sức khỏe

Nhận diện tình trạng sốc ở người mắc sốt xuất huyết

PHẠM TUẤN 19/07/2024 15:52

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở giai đoạn 2 trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt. Khoảng 6% bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng ở giai đoạn này.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: THẾ KHẢI)
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: THẾ KHẢI)

6% bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng ở giai đoạn 2 của bệnh

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian vừa qua dành tỷ trọng giường lớn hơn cho điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70-80 ca, hơn 30 ca có dấu hiệu cảnh báo.

Hiện có khoảng 6% số bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện có nguy cơ diễn biến nặng, còn 94% trung bình, nhẹ tự khỏi. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vừa qua, bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm. Sau khi lui sốt, người chăm đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn.

Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc, sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình, đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã diến tiễn nặng.

"Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn biến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao", bác sĩ Cấp cho hay.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp lưu ý, chỉ cần bệnh nhân ở trong vùng dịch, có sốt, có tiêu chảy, buồn nôn, có thể hướng tới bị sốt xuất huyết. Khi bị sốt xuất huyết, tùy theo pha nào của bệnh mà cần xét nghiệm các chỉ số khác nhau.

Nhận diện tình trạng sốc ở người mắc sốt xuất huyết ảnh 1
Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết có biểu hiện nặng phải nhập viện cấp cứu do tình trạng sốc. (Ảnh: THẾ KHẢI)

Ở pha đầu, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính. Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính.

Khi tiếp nhận một kết quả xét nghiệm, phải hiểu rõ được tiến hành pha nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.

Do đó, bác sĩ Cấp khuyến cáo, một bệnh nhân sống trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, khi xuất hiện sốt, hay dấu hiệu chảy máu bất thường, cần đi khám xem có phải sốt xuất huyết không.

Sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau:

Pha 1: Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol.

Pha 2: Từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7

Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, vì thoát dịch khỏi thành mạch.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh có nguy cơ diễn biến nặng: bệnh nhân mệt (đặc biệt trẻ em, trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp); một số bệnh nhân đau tức vùng gan; một số bệnh nhân đau khắp bụng, một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều); chảy máu chân răng, xuất huyết…; xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng…

Khi có một trong các dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử lý kịp thời, thường sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…

"Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo phải đến cơ sở y tế ngay. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng" bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết diễn biến nặng ở nhóm đối tượng nào

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có một số nhóm đối tượng khi mắc sốt xuất huyết dễ diến biến nặng.

Đầu tiên là nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Thứ hai là nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Thứ ba là nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỷ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ tư là nhóm phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.

Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác; người da trắng thường nặng hơn người da vàng... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhan-dien-tinh-trang-soc-o-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-post777974.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nhan-dien-tinh-trang-soc-o-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-post777974.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhận diện tình trạng sốc ở người mắc sốt xuất huyết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO