Nhận diện các vấn đề tiềm ẩn diễn biến hòa bình ở Đắk Nông
Các đối tượng xấu có thể lợi dụng tôn giáo, dân tộc, tranh chấp đất, truyền bá thông tin sai lệch... để diễn biến hòa bình, gây bất ổn ở Đắk Nông.
Tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp
Đắk Nông là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, với các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Sự đa dạng văn hóa này mang lại nhiều giá trị quý báu nhưng cũng là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chia rẽ.
Thực tế, thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng sự nhạy cảm trong vấn đề tôn giáo và dân tộc ở Đắk Nông để kích động, lôi kéo người dân có những việc làm phi pháp, gây mất niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.
Một vấn đề khác ở Đắk Nông cũng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến hòa bình là đất đai. Các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương đã được một số đối tượng lợi dụng để kích động, gây bạo lực, làm mất an ninh trật tự.
Chẳng hạn như vụ việc bạo lực do tranh chấp đất đai ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông diễn ra vào tháng 10/2016. Trong vụ việc này, một nhóm người dân đã xung đột với lực lượng bảo vệ của Công ty Long Sơn liên quan đến tranh chấp đất đai.
Hậu quả là 3 bảo vệ của công ty đã tử vong và nhiều người khác bị thương. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, làm mất an ninh nghiêm trọng tại địa phương.
Hay như vụ tranh chấp vườn cao su giữa Công ty TNHH MTV Nam Nung với người dân ở huyện Krông Nô diễn ra vào năm 2019. Vụ việc tranh chấp này đã kéo dài và gây ra những căng thẳng giữa công ty với người dân địa phương về quyền sử dụng đất.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phải dày công vào cuộc can thiệp và giải quyết nhiều lần để giảm thiểu xung đột, đồng thời bảo đảm quyền lợi của cả hai bên.
Ngoài ra, khó khăn về kinh tế, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa cũng là một yếu tố mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để tạo diễn biến hòa bình.
Khoảng tháng 6/2023, một đối tượng người Việt Nam đang ở Bangkok (Thái Lan) kết bạn, làm quen với anh V.V.L (SN 1977), trú tại thôn 19, xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút, thông qua mạng xã hội facebook.
Người này vẽ ra viễn cảnh "việc nhẹ, lương cao" ở Thái Lan, anh L có thể nhanh chóng làm giàu và nếu ở lâu sẽ được đi định cư ở nước thứ ba.
Tin vào những lời đường mật, anh L bán hết nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... rồi cùng các thành viên trong gia đình (gồm 12 người) cả già lẫn trẻ xuất cảnh sang Thái Lan.
Theo anh L, khi tới Bangkok, gia đình phải thuê phòng trọ chật chội, hôi hám để ở. Tiền thuê phòng mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng và phải đặt tiền cọc cho chủ nhà 3 tháng.
Cuộc sống của các thành viên trong gia đình gần như bị giam lỏng trong phòng, không được đi ra ngoài để tìm kiếm việc làm. Số tiền bán nhà, tài sản mang theo cũng dần hết. Gia đình anh cũng hoàn toàn bị các đối tượng bỏ rơi.
Các đối tượng xấu thường tuyên truyền với luận điệu những người dân tộc thiểu số sẽ không còn được hồi hương, sẽ bị chính quyền bắt bỏ tù.
Khi nhận ra bộ mặt thật của các đối tượng xấu, anh L và gia đình đã gạt bỏ tất cả để quay trở về. Thời gian qua, gia đình anh đã được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mặt để ổn định nơi ở, sản xuất, xây dựng lại cuộc sống.
Trung tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút cho biết, qua vụ việc này cho thấy, một số đối tượng xấu thường lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin, nhận thức thấp để xúi giục, lôi kéo, gây chia rẽ, với mục đích làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thời gian gần đây, mạng xã hội là một trong những phương tiện được các thế lực thù địch sử dụng mạnh mẽ để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình.
Tại Đắk Nông, nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được lan truyền trên các nền tảng như Facebook, Zalo.
Những thông tin này thường nhắm vào các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp đất đai, quyền lợi của người dân hoặc các sự kiện liên quan đến tôn giáo và dân tộc.
Sự lan truyền của những thông tin không chính xác đã khiến một bộ phận người dân bị lôi kéo, tham gia vào các hoạt động phản kháng, thậm chí là chống đối chính quyền.
Một trong những mục tiêu chính của diễn biến hòa bình là làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Tại Đắk Nông, các thế lực thù địch đã lợi dụng các phương tiện truyền thông không chính thống để truyền bá những tư tưởng sai lệch về chính trị, xã hội.
Những luận điệu này nhắm vào việc phê phán, bôi nhọ vai trò của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đất đai, giải quyết các mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc.
Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn diễn biến hòa bình là nâng cao nhận thức cho người dân về âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cảnh báo người dân về các hoạt động phá hoại thông qua diễn biến hòa bình.
Đặc biệt, tại các vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, cần có những chương trình giáo dục cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng khu vực, giúp người dân nắm bắt thông tin chính xác và hiểu rõ bản chất của những thông tin sai lệch.
Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là yếu tố then chốt trong ngăn chặn diễn biến hòa bình. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, giám sát các nội dung thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp phát tán thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, nâng cao khả năng nhận diện và phân biệt thông tin thật - giả.
Một trong những nguyên nhân khiến các thế lực thù địch dễ dàng thực hiện diễn biến hòa bình là do những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Vì vậy, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các âm mưu diễn biến hòa bình.
Chính quyền cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, các vấn đề tranh chấp đất đai cần được giải quyết một cách minh bạch, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người dân, tránh tạo ra sự bất mãn trong xã hội.
Khối đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng giúp giữ vững ổn định và phát triển - xã hội. Tại Đắk Nông, việc củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo cần tiếp tục được quan tâm hàng đầu.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao cần được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho các dân tộc giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, từ đó xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.