Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Nhận diện các phương tiện bay để có các giải pháp quản lý phù hợp

Đức Diệu 27/06/2024 16:57

Tiếp tục chương trình, ngày 27/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung và biểu quyết thông qua một số dự án luật quan trọng.

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân, ông Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân và cơ bản đồng tình với một số quy định của dự thảo.

Toàn 27 biểu quyết
Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Ảnh: Lệ Quyên)

Về cơ bản, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mà trong đó có việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, với xu thế phát triển, một số nước trên thế giới đã xuất hiện loại hình mô tô bay, ô tô bay, các loại phương tiện bay khác và với xu thế phát triển chung thì ở Việt Nam tương lai gần cũng sẽ có các loại hình bay này và đây không phải là phương tiện bay siêu nhẹ theo khái niệm mà dự thảo đã đưa ra.

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn để đưa vào phạm vi điều chỉnh để quản lý đối với các loại phương tiện này vì khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không. Trường hợp không quy định các loại phương tiện cụ thể thì cần nghiên cứu một tiêu chí nhận diện các phương tiện bay để có các giải pháp quản lý phù hợp.

Mai ngày 28
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Cần tiếp tục rà soát Chương 7 của dự thảo Luật để có các quy định phù hợp hơn

Theo quy định tại Điều 15 của dự thảo về thẩm quyền huy động lực lượng phòng không nhân dân, gồm: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định huy động lực lượng phòng không nhân dân trên địa bàn quản lý theo đề nghị của cơ quan quân sự địa phương cùng cấp. Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp quyết định huy động nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo đề nghị của Ban Chỉ huy quân sự hoặc chỉ huy tự vệ đối với tổ chức, doanh nghiệp nơi không có Ban Chỉ huy quân sự.

Như vậy, theo quy định tại dự thảo thì chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền huy động lực lượng phòng không nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa phân định được các trường hợp huy động để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập hay huy động trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh để xác định thẩm quyền cụ thể. Tức là chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền huy động để thực hiện nhiệm vụ gì, phạm vi huy động đến đâu? thì dự thảo Luật chưa quy định rõ. Ngoài ra, việc huy động lực lượng phòng không nhân dân cần phải thống nhất với việc huy động lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Từ đó, đại biểu Mai đề nghị tiếp tục rà soát, phân định rõ thẩm quyền, đánh giá sự phù hợp với các luật khác để hoàn thiện Điều 15 của dự thảo Luật.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng không nhân dân quy định tại Chương 7 của dự thảo quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý Nhà nước về phòng không nhân dân, gắn với các nhiệm vụ được xác định cụ thể trong Luật. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần đánh giá rà soát để quy định trách nhiệm chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng không nhân dân như Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số cơ quan có trách nhiệm chủ trì như chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc thì phải xác định nhiệm vụ cụ thể. Việc quy định theo hướng chung chung, liệt kê như dự thảo thì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đã được pháp luật quy định và sẽ bỏ sót một số cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính…

Đồng thời, cần cân nhắc việc đưa trách nhiệm của ban, bộ, ngành trung ương theo Điều 49 và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 52 của dự thảo. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát Chương 7 của dự thảo để có các quy định phù hợp hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhận diện các phương tiện bay để có các giải pháp quản lý phù hợp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO